Khi nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C. Mác bắt đầu từ phạm trù hàng hoá, vậy hàng hóa là gì?

Để hiểu được phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, ta phải bắt đầu từ hàng hoá, nắm được thuộc tính của nó, xác định tính hai mặt của sản xuất hàng hóa và lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa là gì.

Đang xem: Giá trị của hàng hóa là gì

– Giá trị sử dụng của hàng hóa được phát hiện dần dần trong quá trình phát triển của khoa học – kỹ thuật và của lực lượng sản xuất nói chung.
– Hai hàng hóa khác nhau (vải và thóc) có thể trao đổi được với nhau thì giữa chúng phải có một cơ sở chung nào đó.
2.3. Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa phản ảnh tính chất tư nhân và tính chất xã hội của lao động của người sản xuất hàng hóa.
Vậy, lượng giá trị của hàng hóa được đo bằng lượng lao động tiêu hao để sản xuất ra hàng hóa đó, lượng lao động tiêu hao ấy được tính bằng thời gian lao động.
Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động cần để sản xuất ra một hàng hóa nào đó trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội với một trình độ trang thiết bị trung bình, với một trình độ thành thạo trung bình và một cường độ lao động trung bình trong xã hội đó.

1. Hàng hóa là gì? Thuộc tính của hàng hóa là gì?

– Định nghĩa:

Hàng hóa là sản phẩm của lao động, thoả mãn được nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi, mua bán.

Hàng hóa có thể ở dạng hữu hình như: sắt, thép, lương thực, thực phẩm…

Hàng hóa cũng có thể ở dạng vô hình như những dịch vụ thương mại, vận tải hay dịch vụ của giáo viên, bác sĩ và nghệ sĩ…

– Hàng hóa có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị.

1.1. Giá trị sử dụng của hàng hóa là gì?

– Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của hàng hóa thoả mãn nhu cầu nào đó của con người.

– Bất cứ hàng hóa nào cũng có một hay một số công dụng nhất định. Chính công dụng đó (tính có ích đó) làm cho hàng hóa có giá trị sử dụng.

Ví dụ: Công dụng của gạo là để nấu cơm ăn, vậy giá trị sử dụng của gạo là để nấu cơm ăn…

– Cơ sở của giá trị sử dụng của hàng hóa là do những thuộc tính tự nhiên (lý, hoá học) của thực thể hàng hóa đó quyết định.

Do đó, giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn vì nó tồn tại trong mọi phương thức hay kiểu tổ chức sản xuất.

– Giá trị sử dụng của hàng hóa được phát hiện dần dần trong quá trình phát triển của khoa học – kỹ thuật và của lực lượng sản xuất nói chung.

Ví dụ: Than đá ngày xưa chỉ được dùng làm chất đốt (đun, sưởi ấm), khi khoa học – kỹ thuật phát triển hơn nó còn được dùng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghệ hoá chất.

Xã hội càng tiến bộ, lực lượng sản xuất càng phát triển thì số lượng giá trị sử dụng ngày càng nhiều, chủng loại giá trị sử dụng càng phong phú, chất lượng giá trị sử dụng ngày càng cao.

– Giá trị sử dụng của hàng hóa là giá trị sử dụng xã hội vì giá trị sử dụng của hàng hóa không phải là giá trị sử dụng cho người sản xuất trực tiếp mà là cho người khác, cho xã hội, thông qua trao đổi, mua bán.

Điều đó đòi hỏi người sản xuất hàng hóa phải luôn luôn quan tâm đến nhu cầu của xã hội, làm cho sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Giá trị sử dụng của hàng hóa là vật mang giá trị trao đổi.

1.2. Giá trị của hàng hóa là gì?

– Muốn hiểu được giá trị của hàng hoá phải đi từ giá trị trao đổi.

Giá trị trao đổi trước hết là một quan hệ về số lượng, là tỷ lệ theo đó một giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác.

Ví dụ: 1 m vải = 5 kg thóc. Tức là 1 mét vải có giá trị trao đổi bằng 5 kg thóc.

Vấn đề là, tại sao vải và thóc lại có thể trao đổi được với nhau, và hơn nữa chúng lại trao đổi với nhau theo một tỷ lệ nhất định (1 : 5)?

– Hai hàng hóa khác nhau (vải và thóc) có thể trao đổi được với nhau thì giữa chúng phải có một cơ sở chung nào đó.

+ Cái chung đó không phải là giá trị sử dụng của chúng. Bởi vì giá trị sử dụng của vải là để mặc, hoàn toàn khác với giá trị sử dụng của thóc là để ăn.

+ Cái chung đó là: Cả vải và thóc đều là sản phẩm của lao động, đều có lao động kết tinh trong đó.

Nhờ có cơ sở chung đó mà các hàng hóa có thể trao đổi được với nhau. Vì vậy, người ta trao đổi hàng hóa cho nhau chẳng qua là trao đổi lao động của mình ẩn giấu trong những hàng hóa ấy.

Chính lao động hao phí để tạo ra hàng hóa là cơ sở chung của việc trao đổi và nó tạo thành giá trị của hàng hóa.

Như vậy:

Giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.

Còn giá trị trao đổi mà chúng ta đề cập ở trên, chẳng qua chỉ là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của giá trị.

Giá trị là nội dung, là cơ sở của giá trị trao đổi. Đồng thời, giá trị biểu hiện mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa. Cũng chính vì vậy, giá trị là một phạm trù lịch sử, chỉ tồn tại trong kinh tế hàng hóa.

1.3. Mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa

Hai thuộc tính của hàng hóa có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau.

– Mặt thống nhất thể hiện ở chỗ:

Hai thuộc tính này cùng đồng thời tồn tại trong một hàng hóa.

Một vật phải có đầy đủ hai thuộc tính này mới là hàng hóa. Nếu thiếu một trong hai thuộc tính đó, vật phẩm sẽ không phải là hàng hóa.

Ví dụ: Một vật có ích (tức có giá trị sử dụng), nhưng không do lao động tạo ra (tức không có kết tinh lao động) như không khí tự nhiên thì sẽ không phải là hàng hóa.

– Mâu thuẫn giữa hai thuộc tính của hàng hóa thể hiện ở chỗ:

+ Thứ nhất, với tư cách là giá trị sử dụng thì các hàng hóa không đồng nhất về chất.

Nhưng ngược lại, với tư cách là giá trị thì các hàng hóa lại đồng nhất về chất, đều là “những cục kết tinh đồng nhất của lao động mà thôi”, tức đều là sự kết tinh của lao động, hay là lao động đã được vật hoá.

+ Thứ hai, tuy giá trị sử dụng và giá trị cùng tồn tại trong một hàng hóa, nhưng quá trình thực hiện chúng lại tách rời nhau về cả mặt không gian và thời gian.

Nếu giá trị được thực hiện trước trong lĩnh vực lưu thông, thì giá trị sử dụng được thực hiện sau, trong lĩnh vực tiêu dùng.

Do đó, nếu giá trị của hàng hoá không được thực hiện thì sẽ dẫn đến khủng hoảng sản xuất.

*
*

Hàng hóa có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị. Ảnh: Nguoiduatin.vn.

2. Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa là gì?

Hàng hóa có hai thuộc tính không phải là do có hai thứ lao động khác nhau kết tinh trong nó, mà là do lao động của người sản xuất hàng hóa có tính chất hai mặt:

vừa mang tính chất cụ thể (lao động cụ thể);lại vừa mang tính chất trừu tượng (lao động trừu tượng).

C. Mác là người đầu tiên phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động.

2.1. Lao động cụ thể

– Lao động cụ thể là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của những nghề nghiệp chuyên môn nhất định.

Ví dụ: Lao động của người thợ may và lao động của người thợ mộc là hai loại lao động cụ thể khác nhau.

– Mỗi một lao động cụ thể có mục đích, phương pháp, công cụ lao động, đối tượng lao động và kết quả lao động riêng. Chính những cái riêng đó phân biệt các loại lao động cụ thể khác nhau.

Ví dụ: Lao động của người thợ may có mục đích là làm ra quần áo chứ không phải là bàn ghế. Còn phương pháp là may chứ không phải là bào, cưa; có công cụ lao động là kim, chỉ, máy may chứ không phải là cái cưa, cái bào…; và lao động của người thợ may thì tạo ra quần áo để mặc, còn lao động của người thợ mộc thì tạo ra ghế để ngồi…

Điều đó có nghĩa là: Lao động cụ thể tạo ra giá trị sử dụng của hàng hóa.

Trong xã hội có nhiều loại hàng hóa với những giá trị sử dụng khác nhau là do có nhiều loại lao động cụ thể khác nhau.

Nếu phân công lao động xã hội càng phát triển thì càng có nhiều giá trị sử dụng khác nhau để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

2.2. Lao động trừu tượng

– Lao động trừu tượng là lao động của người sản xuất hàng hóa khi đã gạt bỏ những hình thức cụ thể của nó, hay nói cách khác, đó chính là sự tiêu hao sức lao động (tiêu hao sức bắp thịt, thần kinh) của người sản xuất hàng hóa nói chung.

Chính lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa mới tạo ra giá trị của hàng hóa.

Như vậy, có thể nói:

Giá trị của hàng hóa là lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.

Đó cũng chính là mặt chất của giá trị hàng hóa.

Xem thêm: Ngành Tiếng Anh Thương Mại Là Gì ? Tiếng Anh Thương Mại

2.3. Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa phản ảnh tính chất tư nhân và tính chất xã hội của lao động của người sản xuất hàng hóa.

Như trên đã chỉ ra, mỗi người sản xuất hàng hoá sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào là việc riêng của họ. Vì vậy, lao động đó mang tính chất tư nhân, và lao động cụ thể của họ là biểu hiện của lao động tư nhân.

Đồng thời, lao động của người sản xuất hàng hóa là lao động xã hội vì nó là một bộ phận của toàn bộ lao động xã hội trong hệ thống phân công lao động xã hội.

Phân công lao động xã hội tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những người sản xuất hàng hóa. Họ làm việc cho nhau, thông qua trao đổi hàng hóa.

Việc trao đổi hàng hóa không thể căn cứ vào lao động cụ thể mà phải quy lao động cụ thể về lao động chung đồng nhất – lao động trừu tượng. Do đó, lao động trừu tượng là biểu hiện của lao động xã hội.

2.4. Giữa lao động tư nhân và lao động xã hội có mâu thuẫn với nhau.

Mâu thuẫn đó được biểu hiện cụ thể trong hai trường hợp sau:

– Sản phẩm do những người sản xuất hàng hóa riêng biệt tạo ra có thể không ăn khớp với nhu cầu của xã hội (hoặc không đủ cung cấp cho xã hội hoặc vượt quá nhu cầu của xã hội…).

Khi sản xuất vượt quá nhu cầu của xã hội, sẽ có một số hàng hóa không bán được, tức không thực hiện được giá trị.

– Mức tiêu hao lao động cá biệt của người sản xuất hàng hóa cao hơn so với mức tiêu hao mà xã hội có thể chấp nhận, khi đó hàng hóa cũng không bán được hoặc bán được nhưng không thu hồi đủ chi phí lao động bỏ ra.

Mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội là mầm mống của mọi mâu thuẫn trong nền sản xuất hàng hoá. Chính vì những mâu thuẫn đó mà sản xuất hàng hoá vừa vận động phát triển, vừa tiềm ẩn khả năng khủng hoảng.

3. Lượng giá trị của hàng hóa là gì? Các yếu tố ảnh hưởng tới nó

3.1. Thời gian lao động xã hội cần thiết

– Giá trị của hàng hóa là do lao động xã hội, lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.

Vậy, lượng giá trị của hàng hóa được đo bằng lượng lao động tiêu hao để sản xuất ra hàng hóa đó, lượng lao động tiêu hao ấy được tính bằng thời gian lao động.

Nhưng nếu như vậy thì người ta có thể lầm tưởng rằng, người sản xuất ra hàng hóa càng lười biếng hay càng vụng về bao nhiêu thì lượng giá trị hàng hóa của anh ta lại càng lớn bấy nhiêu, vì anh ta càng phải dùng nhiều thời gian hơn để sản xuất ra hàng hóa đó.

Ở đây, lao động tạo thành thực thể của giá trị, là thứ lao động giống nhau của con người, là chi phí của cùng một sức lao động của con người. Nó có tính chất của một sức lao động xã hội trung bình…

Do đó, để sản xuất ra một hàng hóa nhất định, chỉ cần dùng một thời gian lao động trung bình cần thiết hoặc “thời gian lao động xã hội cần thiết”. Điều đó cũng có nghĩa là, trong thực tế, có nhiều người cùng sản xuất một loại hàng hóa, nhưng điều kiện sản xuất, trình độ tay nghề, năng suất lao động khác nhau, do đó thời gian lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa đó là khác nhau, tức là có mức hao phí lao động cá biệt khác nhau.

Thế nhưng lượng giá trị của hàng hóa không phải do mức hao phí lao động cá biệt hay thời gian lao động cá biệt quy định, mà nó được đo bởi thời gian lao động xã hội cần thiết.

Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động cần để sản xuất ra một hàng hóa nào đó trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội với một trình độ trang thiết bị trung bình, với một trình độ thành thạo trung bình và một cường độ lao động trung bình trong xã hội đó.

Thực chất, thời gian lao động xã hội cần thiết chính là mức hao phí lao động xã hội trung bình (thời gian lao động xã hội trung bình) để sản xuất ra hàng hóa.

Thông thường thời gian lao động xã hội cần thiết gần sát với thời gian lao động cá biệt (mức hao phí lao động cá biệt) của người sản xuất hàng hóa nào cung cấp đại bộ phận hàng hóa đó trên thị trường.

Thời gian lao động xã hội cần thiết là một đại lượng không cố định, vì trình độ thành thạo trung bình, cường độ lao động trung bình, điều kiện trang bị kỹ thuật trung bình của xã hội ở mỗi nước khác nhau là khác nhau và thay đổi theo sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Khi thời gian lao động xã hội cần thiết thay đổi (cao hay thấp) thì lượng giá trị của hàng hóa cũng sẽ thay đổi.

Như vậy, chỉ có lượng lao động xã hội cần thiết, hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa, mới quyết định đại lượng giá trị của hàng hóa ấy.

3.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa

Tất cả những yếu tố ảnh hưởng tới thời gian lao động xã hội cần thiết đều ảnh hưởng tới lượng giá trị của hàng hóa.

Chúng ta xem xét ba yếu tố cơ bản:

Năng suất lao động;Cường độ lao động vàMức độ giản đơn hay phức tạp của lao động.– Năng suất lao động là sức sản xuất của lao động.

Nó được đo bằng lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Năng suất lao động tăng lên có nghĩa là cũng trong một thời gian lao động, nhưng khối lượng hàng hóa sản xuất ra tăng lên làm cho thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa giảm xuống. Do đó, khi năng suất lao động tăng lên thì giá trị của một đơn vị hàng hóa sẽ giảm xuống và ngược lại.

Như vậy, giá trị của hàng hóa tỷ lệ nghịch với năng suất lao động.

Năng suất lao động lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ khéo léo (thành thạo) trung bình của người công nhân, mức độ phát triển của khoa học – kỹ thuật, công nghệ và mức độ ứng dụng những thành tựu đó vào sản xuất, trình độ tổ chức quản lý, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, và các điều kiện tự nhiên.

Muốn tăng năng suất lao động phải hoàn thiện các yếu tố trên.

– Cường độ lao động là đại lượng chỉ mức độ hao phí sức lao động trong một đơn vị thời gian.

Nó cho thấy mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động.

Cường độ lao động tăng lên tức là mức hao phí sức cơ bắp, thần kinh trong một đơn vị thời gian tăng lên, mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động tăng lên.

Nếu cường độ lao động tăng lên thì số lượng (hoặc khối lượng) hàng hóa sản xuất ra tăng lên và sức hao phí lao động cũng tăng lên tương ứng, vì vậy giá trị của một đơn vị hàng hóa vẫn không đổi.

Tăng cường độ lao động thực chất cũng như kéo dài thời gian lao động cho nên hao phí lao động trong một đơn vị sản phẩm không đổi.

Tăng năng suất lao động và tăng cường độ lao động giống nhau ở chỗ:

Chúng đều dẫn đến lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian tăng lên.

Nhưng chúng khác nhau ở chỗ: Tăng năng suất lao động làm cho lượng sản phẩm (hàng hóa) sản xuất ra trong một đơn vị thời gian tăng lên, nhưng làm cho giá trị của một đơn vị hàng hóa giảm xuống.

Hơn nữa, tăng năng suất lao động có thể phụ thuộc nhiều vào máy móc, kỹ thuật, do đó, nó gần như là một yếu tố có “sức sản xuất” vô hạn. Còn tăng cường độ lao động, làm cho lượng sản phẩm sản xuất ra tăng lên trong một đơn vị thời gian, nhưng giá trị của một đơn vị hàng hóa không đổi.

Mặt khác, tăng cường độ lao động phụ thuộc nhiều vào thể chất và tinh thần của người lao động, do đó, nó là yếu tố của “sức sản xuất” có giới hạn nhất định.

Chính vì vậy, tăng năng suất lao động có ý nghĩa tích cực hơn đối với sự phát triển kinh tế.

– Mức độ phức tạp của lao động cũng ảnh hưởng nhất định đến lượng giá trị của hàng hóa.

Theo mức độ phức tạp của lao động, có thể chia lao động thành lao động giản đơn và lao động phức tạp.

+ Lao động giản đơn là lao động mà một người lao động bình thường không cần phải trải qua đào tạo cũng có thể thực hiện được.

+ Lao động phức tạp là lao động đòi hỏi phải được đào tạo, huấn luyện mới có thể tiến hành được.

Trong cùng một thời gian, lao động phức tạp tạo ra nhiều giá trị hơn lao động giản đơn.

Lao động phức tạp thực chất là lao động giản đơn được nhân lên.

Xem thêm: Nghĩa Của Từ Con Cú Tiếng Anh Là Gì ? Con Cú Mèo Trong Tiếng Anh Là Gì

Trong quá trình trao đổi hàng hóa, mọi lao động phức tạp đều được quy về lao động đơn giản trung bình, và điều đó được quy đổi một cách tự phát sau lưng những hoạt động sản xuất hàng hóa, hình thành những hệ số nhất định thể hiện trên thị trường.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *