*

Giáo dục toàn diện không phải là “cái gì cũng biết”, quan trọng là phải sớm phát hiện và khơi dậy năng lực của mỗi học sinh. Ảnh: Lưu Kim

Giáo dục toàn diện (GDTD) đã nhanh chóng trở thành từ khóa quen thuộc thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Thế nhưng ngay cả khái niệm về nó cũng đang được hiểu khác nhau khiến cho những “nỗ lực” nhằm hiện thực hóa “giấc mơ toàn diện” cũng muôn hình muôn vẻ.

Đang xem: Giáo dục toàn diện là gì

Khái niệm không rõ, làm khó thầy trò

Trong hầu hết các văn bản liên quan đến đổi mới căn bản và toàn diện của ngành giáo dục, triết lý giáo dục được xác định nhằm “xây dựng con người Việt Nam toàn diện đức – trí – thể – mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế”. Cũng bởi những khái niệm được đưa ra lại thiếu những thiết chế đi cùng để làm thước đo, thang chuẩn, nên thực tế triển khai việc dạy và học lại đang cho thấy cách hiểu chưa thấu đáo về khái niệm này.

Nhìn nhận từ thực tế việc dạy và học trong nhà trường, TS Nguyễn Văn Khải, người đã có nhiều chia sẻ tâm huyết gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chỉ ra những hạn chế: “Ở bậc phổ thông, học sinh học hành rất vất vả. Vừa vào lớp 1 có khi đã bị ép học thêm, vác chiếc ba-lô đến lệch cả người… Mặc dù định hướng thì nói là mong muốn học sinh phát triển toàn diện, nhưng dung lượng cho các môn học thuộc lòng lại quá nhiều. Trong khi thời gian dành cho phát triển kỹ năng sống, văn nghệ, thể thao… lại vô cùng ít ỏi”.

Không chỉ là nạn nhân của GDTD trên học đường, nhiều cháu bé còn trở thành nạn nhân của những khóa học ngoại khóa đào tạo toàn diện bên ngoài nhà trường. Thậm chí, có trung tâm mặc dù chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên mở lớp “bịt mắt, kích não” nhằm biến các cháu thiếu nhi sớm trở thành “thiên tài xuất chúng”, v.v. Hiện còn có hiện tượng phụ huynh do quan ngại với việc con chịu sức ép quá lớn khi đi học, nên đã quyết định để con ở nhà “tự dạy”.

Nói về những hệ lụy của việc hiểu không đúng, không thống nhất về GDTD, GS Đặng Ứng Vận (ĐH Hòa Bình) cho rằng: “Không phải cái gì cũng đưa vào chính khóa để dạy cho trẻ là toàn diện. Vì thế, hiệu quả GDTD không rõ, trong khi giáo dục phân hóa như các lớp năng khiếu, lớp chuyên lại có tác dụng rõ rệt, giúp các học sinh nhanh chóng đạt được kết quả”.

Xem thêm: Điện 3 Pha Là Gì? Dòng Điện 3 Pha Bao Nhiêu Vôn? ? Điện 3 Pha Là Gì

Chung quan điểm, TS Tôn Quang Cường (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến: “Quan niệm phát triển toàn diện theo cách diễn đạt phổ biến hiện nay e là hơi duy ý chí (hiếm ai có thể giỏi mọi mặt). Theo tôi, GDTD cần được hiểu là phát triển hài hòa và phù hợp với từng đối tượng.

“Phù hợp” thay vì “toàn diện”?

Mặc dù chủ trương GDTD cho học sinh đã được đề cập từ lâu, nhưng quá trình triển khai từ các cấp quản lý giáo dục, các giáo viên cho đến phụ huynh vẫn chưa hiểu đúng, làm đúng. Lý giải căn nguyên, nhiều chuyên gia cho rằng, vì còn đặt nặng mục tiêu phát triển trí lực nên nền giáo dục chú trọng đến ứng thí là chính, mà chưa chú trọng đến khả năng, sở thích, năng khiếu của học sinh. Vì coi trọng thành tích thi cử, nên đã xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ – những yếu tố rất cần để hình thành nhân cách, phẩm chất con người. Hệ quả là giáo dục lệch pha, ra lò toàn “công dân đồng phục”.

Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, các chuyên gia giáo dục đã kiến nghị những giải pháp cụ thể. GS Đặng Ứng Vận nhận định: “Giáo dục trong nhà trường luôn không đủ, càng không đủ cho GDTD. Vậy Bộ GD-ĐT cần có giải pháp chiến lược phát triển giáo dục gia đình, phối hợp với hệ thống chính trị phát triển giáo dục xã hội, giải quyết các bức xúc và tiêu cực trong giáo dục như Nghị quyết 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đã nêu. Cùng với đó, sớm đổi mới cơ cấu nhà trường phổ thông để xã hội và cộng đồng có vai trò cao hơn, mạnh mẽ và trực tiếp hơn trong công tác giáo dục”.

Đặt mối quan tâm đến phương pháp dạy và học, TS Tôn Quang Cường đề xuất, ngay từ năm 2017, ngành giáo dục cần chấn chỉnh việc dạy và học; thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá kết quả học tập cho phù hợp. Đồng thời, có cơ chế nhằm tăng cường tính tự chủ cho trường phổ thông. Nhà trường cần sáng tạo linh hoạt trong nội dung giảng dạy, gắn với thực tiễn cuộc sống, tăng các hoạt động thực tế trải nghiệm cho học sinh, tăng sự kết nối với phụ huynh. Cùng đó, các bậc cha mẹ không tạo áp lực học hành cho con cái; xã hội cần khuyến khích những tấm gương thành đạt, dám thể hiện năng lực, cá tính…

Mục tiêu của giáo dục không phải là làm đủ mọi cách để dạy cho học sinh “cái gì cũng biết”, mà quan trọng là lựa chọn phương pháp phù hợp nhằm khơi dậy năng lực bản thân, đáp ứng đòi hỏi thực học thực nghiệp. Thời gian tới, ngành giáo dục cần khẩn trương xây dựng lại chương trình giáo dục phổ thông trong tổng thể hệ thống giáo dục quốc dân, đồng bộ với khung trình độ quốc gia, bảo đảm chất lượng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Trước tiên là, làm cho rõ ngay từ khái niệm “giáo dục toàn diện”.

Xem thêm: 10 Dấu Hiệu Nhận Biết Da Nhạy Cảm Là Da Gì ? 4 Cách Nhận Biết Làn Da Nhạy Cảm

Kinh nghiệm cho thấy, ở các nước phát triển, học sinh chỉ học khoảng 4 đến 5 môn, còn học sinh của ta hiện nay phải học tới 14 môn là quá ôm đồm. Với số lượng môn học nhiều như vậy, học sinh sẽ không thể đi sâu để chuẩn bị tiếp cận nghề nghiệp. Theo đó, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, tìm giải pháp phân luồng – hướng nghiệp sớm; trước mắt, có thể xây dựng chương trình dự hướng ngay từ lớp 10, lớp 11 và 12 sẽ để học sinh tự chọn môn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *