(QBĐT) – Cứ vào thư tịch cổ để lại thì từ thời Trung đại, ở nước ta đã xuất hiện một loại sách gọi là Địa chí ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá… của một địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh…), hình thành và phát triển với những phạm vi và tầm mức khác nhau, do các trí thức đương thời biên soạn.
Đang xem: Dư Địa Chí Là Gì ? Nghĩa Của Từ Địa Chí Trong Tiếng Việt Nghĩa Của Từ Dư Địa Chí
Cảo thơm lần giở…
Trong đà phát triển sau đó của loại sách này, suốt thời kỳ phong kiến, nhiều tỉnh, phủ, huyện, xã trong cả nước cũng có sách địa chí riêng do người địa phương, hay các quan cai trị địa phương biên soạn. Thời ấy, việc biên soạn sách không có chế độ nhuận bút, người biên soạn và người sử dụng sách không chịu sự ràng buộc bởi một nhiệm vụ chính trị bức bách nào, thậm chí sách viết ra cũng rất khó được nhân bản; thế mà hệ thống sách địa chí vẫn được tự giác biên soạn rất nhiều nơi, nối nhiều đời ở nước ta.
Làng Bảo Ninh ngày nay đã phát triển rất nhiều so với thời kỳ tác giả Nguyễn Tú viết sách “Địa chí Bảo Ninh” năm 1986. |
Điều đó chứng tỏ rằng, xã hội Việt Nam lúc đó đã và đang có nhu cầu biên soạn, sử dụng loại sách địa chí này, dù chưa phổ biến nhiều, và với tất cả đắc dụng của nó, sách địa chí từ lâu đã sống một đời sống xã hội khách quan.
Những cuốn sách đồ sộ như Dư địa chí do danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi (1380 – 1442) biên soạn, Ô Châu cận lục do tiến sỹ Dương Văn An (1514 – 1591), người Quảng Bình nhuận sắc, cùng với nhiều tác phẩm khác tồn tại từ hàng trăm năm đến nay, thảy đều trở thành bảo vật, thành cảo thơm mỗi khi hậu bối lần giở trước đèn, bởi nó chứa đựng trong đó những thông tin vô giá của tiền nhân.
Sau hòa bình lập lại (1954), các loại sách địa chí khác, đây đó vẫn được lưu tâm biên soạn, còn riêng loại sách địa chí làng xã, vì nhiều lý do khác nhau, không còn thấy được tiếp tục biên soạn nữa. Cùng với nó, các loại sách làng xã khác như: gia phả, hương phả, hương ước, khoán lệ… trên đại thể đã chấm dứt ra đời.Tuy nhiên, đến năm 1961, trong hội nghị khoa học “Viết lịch sử địa phương” do Viện Sử học tổ chức tại Hà Nội, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giáo sư Nguyễn Đổng Chi (1915 -1984) đã trình bày bản tham luận: “Vấn đề viết xã chí trên toàn miền Bắc”. Bản tham luận ngay lập tức gây tiếng vang tại hội thảo và giành được sự hưởng ứng cao của các cử tọa. Lúc đó, đại diện các ty văn hóa đương thời đều đã sao chép bản “Đề án viết xã chí” để mang về sử dụng rộng rãi ở địa phương mình.
Năm 1986, cuốn địa chí làng xã đầu tiên trong toàn quốc dựa trên đề án của cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi ra đời, đó là cuốn Địa chí Bảo Ninh của tỉnh Quảng Bình (lúc bấy giờ nằm trong tỉnh Bình Trị Thiên). Phải sau 25 năm, tín hiệu khả thi đầu tiên của đề án viết địa chí làng xã do giáo sư Nguyễn Đổng Chi đề xuất mới được phát ra, cho thấy mức độ khó khăn của việc thực hiện dự án này, ngay cả việc ngoại trừ thời gian do chiến tranh cản trở.
Tác phẩm Địa chí Bảo Ninh do cụ Nguyễn Tú biên soạn đã có tiếng vang rộng lớn trong tỉnh và nhiều địa phương khác trong cả nước bởi không chỉ ở tính tiên phong, mà còn từ giá trị tự thân của nó: “Cả một thế giới riêng biệt đóng khung trong một cái làng hết sức bình thường, bỗng từ sách của ông Nguyễn Tú mà sống lên, cựa động trăn trở và tự tìm lấy bằng giá trị của mình.
Đó hẳn là cái lý do thu hút người xem của Địa chí Bảo Ninh” (Lời bạt – Giáo sư Nguyễn Huệ Chi); và khuyên mời các bạn đọc kỹ cuốn sách, và mong rằng nhiều xã khác cũng noi gương Bảo Ninh có được những tập địa chí phong phú như vậy” (Lời tựa – Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện).
Vài năm sau, năm 1993, cuốn địa chí làng xã thứ hai ở tỉnh Quảng Bình được biên soạn nghiêm túc, in ấn đẹp đẽ ra đời: cuốn Cảnh Dương chí lược của tác giả người địa phương, cựu nhà giáo Trần Đình Vĩnh.
Sau khi sách này phát hành, cùng với thành công của sách địa chí Bảo Ninh trước đó, nhận thấy tầm quan trọng của sách địa chí trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị tinh thần truyền thống ở địa phương, rất nhiều làng, xã trong tỉnh như: Thanh Trạch, Thuận Bài, Di Luân (Quảng Trạch), Lý Hòa (huyện Bố Trạch), Văn La (huyện Quảng Ninh), Lộc An (Lệ Thủy), thị xã Đồng Hới… hoàn thành bản thảo địa chí và lần lượt cho ra mắt bạn đọc.
Đặc biệt, từ khi Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình ra đời (1995), công việc biên soạn sách địa chí làng, xã được củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Không ít tác phẩm địa chí làng xã xuất bản giai đoạn này đoạt được giải thưởng chuyên môn của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đó là chưa kể đến việc đang có rất nhiều làng xã khác trong tỉnh tổ chức biên soạn các tài liệu địa phương có yếu tố địa chí như lịch sử làng xã, ghi chép tổng hợp… Trên cơ sở đó, năm 1993, UBND tỉnh Quảng Bình thông qua Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường quyết định đầu tư kinh phí biên soạn cuốn Địa chí tỉnh Quảng Bình và coi đây là một trong những công trình khoa học trọng điểm của tỉnh.
Hai cuốn địa chí làng xã đầu tiên của tỉnh Quảng Bình biên soạn dựa trên gợi ý từ “Đề cương viết xã chí” của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. |
Từ những cứ liệu trên, rõ ràng tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước về biên soạn địa chí làng xã dựa trên đề án của Viện Sử học Việt Nam. Sự “bùng nổ” biên soạn địa chí làng, xã ở tỉnh Quảng Bình không thể là vấn đề thời thượng, mà đó là nhu cầu tự thân, có quá khứ và được thử thách dài lâu, là sự kết hợp hiệu quả giữa phương pháp luận khoa học với cảm xúc, tình yêu quê hương và trách nhiệm của các tác giả đối với các giá trị văn hiến của quê hương.
Đá trôi nhưng làng không trôi
Hồi tưởng lại, trong quá trình biên tập sách Cảnh Dương chí lược, chúng tôi có đọc ở tài liệu “Nguyễn Thị Tiểu tông gia phả” do Nguyễn Gia Miễn người làng Cảnh Dương phụng biên năm Tự Đức 24 (1871) những điều tâm huyết sau đây: “Từng nghe: nhà có phả, nước có sử. Sử để làm rõ thứ tự các đời mà ghi điều tốt tiếng thơm… Không tìm về gốc, lấy chi mà biết ngọn nguồn? Không ghi chép được, lấy gì mà biết con cháu phân chia ra sao?
Vì vậy không thể không làm phả”. Nhìn rộng ra đó đồng thời cũng là niềm tin, là lý tưởng, là hiệu quả xã hội mà người xưa đã dựa vào đó để nuôi dưỡng ý chí biên soạn, sử dụng các loại sách hương phả, địa chí…, nhằm lưu dấu lại truyền thống của tổ tiên, quê hương cho mai hậu.
Cùng với sự trao truyền thế hệ, việc ghi chép, cập nhật, lưu giữ truyền thống đã góp phần khắc ghi tinh hoa, hồn cốt gia đình, làng xã trong tâm trí mỗi thành viên cộng đồng, nối đời này sang đời khác, tạo nên các giá trị bền vững mà cha ông ta đã đúc kết: “đá trôi nhưng làng không trôi”.
Xem thêm: Iso 9001:2008 Là Gì – Giới Thiệu Về Htqlcl Iso 9001�
Những cuốn địa chí làng xã mới biên soạn đầu tiên trong giai đoạn này ở tỉnh Quảng Bình vừa ra mắt bạn đọc đã sớm bộc lộ các giá trị văn hóa, giá trị xã hội to lớn, rất thực tế nhưng đồng thời cũng rất giàu cảm xúc. Các địa phương này đã thực sự xuất hiện trước công dân của mình, cũng như trước công chúng bạn đọc là những làng xã văn vật như nó vốn có, thông qua nội dung các ghi chép, miêu tả chân thực, hệ thống trong các cuốn địa chí được phát hành.
Từ đó, lòng tự hào quê hương và lòng tự trọng trong trách nhiệm sống đối với quê hương của nhân dân ở đây được khơi dậy một cách có hệ thống. Các năng lực hoạt động cho sự phát triển của quê hương trong nhân dân, theo đó được phát động dễ dàng và tự giác.
Nếp sống văn hóa trong làng xã được tự điều chỉnh và phát triển theo hướng có lợi để xứng đáng với truyền thống văn hiến của quê hương mà bây giờ người dân mới biết được một cách đầy đủ qua địa chí. Ngoài ra, sách địa chí còn có khả năng tồn giữ được rất nhiều tư liệu quý hiếm của địa phương dưới dạng thành văn để dùng làm tài liệu tham khảo lâu dài.
Ở xã Cảnh Dương, chúng tôi đã có dịp nhìn thấy rất rõ các giá trị văn hóa, xã hội kể trên và nhiều giá trị khác của cuốn “Cảnh Dương chí lược” khi sách được phát hành. Đã xảy ra ở đây một không khí sôi động lạ lùng trong thời điểm này.
Các sắc thái tình cảm trái chiều nhau đều được nhân dân bộc lộ một cách chân thành: đồng tình, trao đổi, thậm chí phản ứng trước các chi tiết của cuốn sách. Nhưng, bao trùm lên toàn bộ vẫn là niềm vui, lòng tự hào quê hương của nhân dân Cảnh Dương, khi các giá trị văn hiến chính của làng đã được thực thể hóa ra, khiến họ nhìn thấy được, sờ nắn được, dưới hình thức một văn hóa phẩm phổ thông mà đẹp đẽ.
Sự thật này cho phép chúng ta nhìn lại để thấy rằng: sở dĩ báo cáo khoa học hơn 50 năm trước của cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi lập tức được các cử tọa hưởng ứng nhiệt thành là vì một mặt do tính cần thiết cần thiết của vấn đề, mặt khác báo cáo đã khơi đúng mạch nguồn tự nhiên, cảm hứng làng xã của người Việt Nam dưới ánh sáng khoa học.
Đề án là sự nối tiếp câu chuyện địa chí làng xã xưa, nhưng khác trước ở chỗ: mỗi làng xã viết địa chí hiện nay không còn tùy vào sự ngẫu hứng của các tác giả, mà dựa trên gợi ý về những nội dung cơ bản của một đề án khoa học.
Làm như vậy, giá trị văn hóa xã hội to lớn của địa chí làng xã sẽ được tập trung, “có thể họp thành một hệ thống sách bách khoa vừa đặc thù, vừa tổng thể, cung cấp tất cả những tri thức cần thiết về đất nước và con người Việt Nam như một bộ sử liên ngành giữa nhiều ngành khoa học xã hội – và cả tự nhiên: địa lý học, kinh tế học, dân tộc học, văn học, ngôn ngữ học, phong tục học, xã hội học, sinh vật học, nông học… góp phần giải đáp hữu hiệu bao nhiêu điều bí ẩn về nông thôn Việt Nam trong quá khứ” (Nguyễn Huệ Chi – Lời bạt cuốn Địa chí Bảo Ninh).
Khơi tiếp mạch nguồn
Có hai yếu tố quan trọng nhất cho một cuốn sách ra đời, đó là tác giả và kinh phí. Xuất bản một cuốn sách đơn lẻ, câu chuyện này rất đơn giản, nhưng lập kế hoạch cho sự ra đời của một hệ thống sách địa chí làng xã, huyện trong phạm vi toàn tỉnh, thì hai yếu tố trên lập tức trở thành một vấn đề rộng lớn và phức tạp bội phần.
Trả lời một cách thỏa đáng các yêu cầu mà vấn đề trên đã đặt ra như một thực tế thì kế hoạch mới mong có sự thuyết phục, mạch nguồn cảm hứng biên soạn địa chí làng xã tiếp tục được khai thông và duy trì trong phạm vi toàn tỉnh
Trước hết, về tác giả, phải nhận thấy ngay rằng: không một tác giả hoặc một nhóm tác giả cố định nào có đủ khả năng để hoàn thành được nhiệm vụ rộng lớn và lâu dài này. Nhìn lại quá khứ, toàn bộ các cuốn địa chí làng xã thời phong kiến còn lại đều do những người địa phương, hoặc cai trị địa phương biên soạn.
Trong đề án từ hơn 50 năm trước, cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi đề xuất: chỉ có giáo viên và học sinh trung học ở từng vùng là có thể gánh vác nổi công việc này; nhưng sau đó, qua thực tế kiểm nghiệm người ta đã thấy đề xuất trên chưa hẳn đã thích hợp.
Cứ theo thực tế mà xét, ở tỉnh Quảng Bình hiện có nhiều địa chí làng xã đã xuất bản và nhiều dự án địa chí đã biên soạn xong, hoặc chờ biên soạn mà chúng tôi biết được. Các tác giả của địa chí này, theo thống kê có các thông số chung là: hầu hết là người sở tại và họ đều tự giác chủ biên công trình. Thành phần nghề nghiệp là khác biệt nhau: cán bộ văn hóa, giáo viên sỹ quan, cựu chiến binh, cử nhân lịch sử. Hầu hết trong số họ là cán bộ hưu trí.
Một số cuốn địa chí làng xã ở tỉnh Quảng Bình được xuất bản gần đây. |
Lực lượng trí thức đa dạng kể trên trong điều kiện dân trí hiện nay, ở tỉnh Quảng Bình, làng xã nào cũng có, thậm chí có nhiều. Họ là lực lượng tác giả rộng lớn có đầy đủ các khả năng biên soạn tốt địa chí làng xã mình, nếu phát động và nuôi dưỡng tốt ý chí của họ.
Tuy nhiên đối với các loại địa chí huyện, tỉnh, công việc biên soạn thường vượt quá khả năng và tầm bao quát của một cá nhân đơn lẻ, do vậy cần thiết phải tập hợp một nhóm, hoặc một hội đồng các tác giả có học thuật, có kinh nghiệm, kể cả liên kết với các trung tâm văn hóa với trung ương để thực hiện.
Về tài chính, trong điều kiện hiện nay riêng việc biên soạn địa chí làng xã thích hợp nhất có lẽ là kết hợp việc sử dụng ngân sách địa phương với việc vận động các nguồn lực xã hội hóa tại chỗ. Xã Cảnh Dương, ở thời điểm năm 1993, khi các nguồn lực xã hội hóa còn khó khăn, chính quyền đã mạnh dạn sử dụng một nguồn kinh phí không nhiều để xuất bản cuốn “Cảnh Dương chí lược” đáng giá của mình. Đây là số tiền không quá lớn cho một kế hoạch quan trọng và có tác dụng lâu dài của một xã, và rõ ràng nó đã phát huy tác dụng to lớn.
Đặc biệt, thời gian gần đây, đã xuất hiện không ít các bộ sách địa chí làng xã trong tỉnh được in ấn, xuất bản từ nguồn kinh phí xã hội hóa, hoặc từ sự tài trợ của các mạnh thường quân con em quê hương. Điều này cho thấy sức thu hút của sách địa chí làng xã là có thật và tình yêu, trách nhiệm của cộng đồng đối với quê hương không bao giờ vơi cạn.
Và, nếu làng xã nào chưa đủ điều kiện tài chính thì trước mắt, cứ nhân bản sách bằng hình thức đánh máy, hoặc fotocopy để phát hành nhằm tiếp tục khơi dậy và duy trì mạch nguồn biên soạn địa chí làng xã trong toàn tỉnh ngay từ bây giờ. Các giá trị của sách địa chí không chỉ thiết thực, cấp bách cho hiện tại, mà còn sẽ phát huy tác dụng lâu bền, bởi đến lượt mình, sách địa chí được biên soạn hiện nay sẽ trở thành cảo thơm cho mai hậu, ngay trong phẩm chất giản dị và trung thực của mình.