Phát triển bền vững được coi là một chiến lược sống còn và cần thiết để bảo tồn thế giới và nhân loại. Sử dụng tài nguyên thiên nhiên vào việc GDMT cho trẻ tiểu học vùng đệm là một trong các cách tiếp cận tốt để duy trì sự phát triển bền vững.

Đang xem: Giáo dục môi trường là gì

Giáo dục môi trường vì sự phát triển bền vững

“Earth provides enough to satisfy every man’s need, but not every man’s greed”

“Trái đất có đủ tài nguyên để cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người, nhưng không đủ để thỏa mãn lòng tham của tất cả.”

Mahatma Gandhi

Hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người khắp nơi trên thế giới, ở mọi lĩnh vực sức khỏe, kinh tế, môi trường sống… Trong bối cảnh đó, chúng ta ngày càng nghe và nói nhiều hơn đến “sự phát triển bền vững” như là một chiến lược sống còn và cần thiết để bảo tồn thế giới và nhân loại. Phát triển bền vững (PTBV) được hiểu nôm na là sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến sự thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Để đạt được trạng thái PTBV này, chúng ta cần duy trì sự phát triển cân đối và hài hòa của bốn yếu tố: Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, Sinh thái – hay còn được gọi là bốn cái chân của chiếc ghế PTBV.

Cái chân “Sinh thái” trong chiếc ghế PTBV nhấn mạnh đến việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Từ góc nhìn này, các nhà nghiên cứu khẳng định giáo dục môi trường sẽ là giải pháp căn bản, lâu dài và bền vững nhằm góp phần duy trì yếu tố sinh thái cho sự PTBV.

Có rất nhiều định nghĩa về GDMT tùy theo từng phương diện góc độ xem xét, song một khái niệm được hiểu rộng rãi hiện nay là: “GDMT là một quá trình phát triển những tình huống dạy /học hiệu quả giúp người dạy và người học tham gia giải quyết những vấn đề môi trường liên quan, đồng thời tìm ra một lối sống có trách nhiệm và được thông tin đầy đủ” (Jonathon Wigley, 2000). Có 3 phương pháp tiếp cận GDMT thường được nhắc đến:

Giáo dục về môi trường: nhằm trang bị cho người học những kiến thức và hiểu biết thiết yếu về khoa học môi trường trong mối quan hệ với các vấn đề xã hội, văn hóa, và kinh tế. Mục đích của cách tiếp cận này là giúp cho người học có thông tin đầy đủ và đưa ra được những quyết định hợp lý về cách ứng xử với môi trường.Giáo dục trong môi trường: hướng tiếp cận này xem môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo là phương tiện, môi trường để giảng dạy và học tập. Điều này tạo cơ hội cho người học sử dụng chính môi trường xung quanh làm nơi học tập, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế các vấn đề về môi trường.Giáo dục vì môi trường: nhằm truyền đạt kiến thức về bản chất, đặc trưng của môi trường, hướng tới hình thành thái độ, cách ứng xử, ý thức trách nhiệm về môi trường; đồng thời cung cấp tri thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết cho những quyết định hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hướng tiếp cận giáo dục này giúp người học có khả năng thực hiện thay đổi vì một thế giới tốt đẹp hơn, đương đầu với những vấn đề và nguy cơ của địa phương.

Hướng tiếp cận toàn diện và hiệu quả nhất cho GDMT là kết hợp cả ba hướng trên nhằm giúp cho mỗi cá nhân xây dựng và phát triển hiểu biết của mình về môi trường, tương tác với môi trường, từ đó mỗi cá nhân có thể sử dụng được kiến thức và kỹ năng đã có để bảo vệ môi trường.

*

Chương trình nâng cao nhận thức cho học sinh tiểu học quận Sơn Trà về đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà

Mục đích, phương pháp, và lợi ích từ GDMT đã rõ ràng. Song, việc hình thành ý thức bảo vệ môi trường, thái độ ứng xử thân thiện với môi trường, và biết sống hòa hợp với thiên nhiên không phải là việc ngày một ngày hai. Theo Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc UNEP, GDMT nên được đưa vào nhà trường càng sớm càng tốt. Trong đó, tiểu học được coi là cấp học nền tảng, là cơ sở ban đầu quan trong cho việc định hình nhân cách con người. Trẻ ở lứa tuổi này vẫn còn theo bản năng để tiếp xúc, khám phá môi trường, thiên nhiên từ một cách nhìn tổng thể; trẻ chưa phải học các kiến thức này từ những môn học riêng biệt như ở những cấp học lớn hơn. Do dó, GDMT cho trẻ tiểu học là cần thiết và quan trọng để gieo mầm hiểu biết và giải quyết các vấn đề về môi trường cho các em, chuẩn bị cho quá trình làm người lớn – những người hành động, ra quyết định sau này.

Xem thêm: Nhiệm Vụ Của Chủ Tịch Công Đoàn Bộ Phận Là Gì, Các Thông Tin Cơ Bản Về Công Đoàn Cơ Sở

Mối liên hệ giữa GDMT và tài nguyên thiên nhiên

Có thể nói, tài nguyên thiên nhiên (TNTN) địa phương là chất liệu quan trọng trong việc GDMT. Các nguồn lực từ tự nhiên như đất, nước, không khí, rừng, sông, biển, khoáng sản,… chính là đối tượng, phương tiện, đồng thời là mục tiêu cho phương pháp tiếp cận GDMT toàn diện như đã trình bày ở trên.

Đà Nẵng của chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, đặc biệt là tài nguyên rừng, sông và biển, trong đó nổi bật nhất là hai khu bảo tồn nhiên nhiên Bà Nà Núi Chúa và Sơn Trà. Bên cạnh việc chú trọng đến việc sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, không thể không nhấn mạnh đến một tiềm năng lớn khác: đó là sử dụng TNTN vào việc GDMT. TNTN sẽ là đối tượng cho hoạt động giáo dục về môi trường: Trẻ sẽ được trang bị kiến thức về môi trường xung quanh, về nguồn TNTN tại chính địa phương của mình – đây là một điều thiết thực, gần gũi và bổ ích, tạo nền tảng cho trẻ về hiểu biết và nhận thức tổng thể môi trường ở địa phương mình sinh sống. Ngoài ra, TNTN sẽ là chất liệu, phương tiện cho giáo dục trong môi trường: Trẻ có cơ hội khám phá, trải nghiệm rừng, sông, núi, biển… tại địa phương với nhiều phương diện: hình hài, vẻ đẹp, lợi ích, các vấn đề đang diễn ra như ô nhiễm hay bị tàn phá… Cuối cùng, việc bảo vệ TNTN sẽ là mục tiêu của giáo dục vì môi trường: từ sự hiểu biết và trải nghiệm đã có về nguồn TNTN của địa phương, nhận thức được các vấn đề liên quan đến TNTN, trẻ sẽ có hành động và hành vi thích hợp để bảo vệ nguồn TNTN này của địa phương. Như vậy, ba hướng tiếp cận GDMT sử dụng TNTN làm đối tượng, phương tiện, và mục đích sẽ bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, giúp trẻ biết, nhận thức và thay đổi ý thức, hành vi phù hợp và có ích cho việc bảo tồn TNTN.

*

Hình: Hướng tiếp cận GDMT toàn diện

*

Đề xuất một số hoạt động GDMT ở bậc tiểu học sử dụng TNTN địa phương

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà, thuộc bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng được coi là lá phổi xanh gìn giữ môi trường trong lành cho thành phố, đồng thời là nơi có nguồn tài nguyên nước dồi dào, và thảm động vật và thực vật rừng phong phú. Ở phần này, chúng tôi đưa ra một ví dụ cụ thể là sử dụng nguồn TNTN: Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Đà Nẵng vào việc thiết kế và giảng dạy GDMT cho trẻ tiểu học vùng đệm khu bảo tồn.Sau đây là phần đề xuất một số hoạt động dạy và học có thể ứng dụng dựa trên hướng tiếp cận toàn diện nhất:

Giáo dục về KBTTN Sơn Trà

Lồng ghép, tích hợp các kiến thức, nội dung giới thiệu về KBTTN Sơn Trà trong các môn học như Tiếng Việt, Tập Làm Văn, Khoa Học, Lịch Sử, Địa Lý, Mỹ Thuật, Đạo Đức,… Ví dụ: với môn Tập làm văn, có thể cho các em nói về cảm nhận của bản thân đối với rừng Sơn Trà, tả con voọc chà vá chân nâu,…; với môn Lịch sử, hãy kể cho các em nghe về lịch sử Sơn Trà, về sự tích núi Khỉ, bãi Tiên Sa,…Tổ chức cho trẻ đi tham quan bảo tàng, triển lãm, tổ chức các buổi chiếu phim, thăm những tổ chức làm về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên,… để trẻ có thêm kiến thức và hiểu biết liên quan đến KBTTTN Sơn Trà.

Giáo dục trong KBTTTN Sơn Trà

Tổ chức các chuyến dã ngoại, ngoại khóa, tham quan khám phá KBTTN Sơn Trà: giúp trẻ quan sát, lắng nghe và tiếp xúc trực tiếp, khám phá ra những điều thú vị, những hiểu biết bổ ích, những giá trị thẩm mỹ từ KBTTN Sơn Trà như: vẻ đẹp của thực vật rừng như cây đa ngàn năm, cây chò chỉ, hoa chùm bìa,…; vẻ đẹp và sự đa dạng các loại động vật: voọc chà vá chân nâu, khỉ vàng, chim, bướm, mang, chồn, nhím,..; âm thanh độc đáo từ rừng như chim hót, khỉ kêu, nước chảy, gió thổi,…Hay đưa trẻ lên rừng để đi bộ, ngắm cảnh, tận hưởng cảm giác yên bình, trong lành và tươi mát của núi rừng.Tổ chức các hoạt động thử nghiệm hay thực hành nhằm giúp trẻ phát hiện những tính chất của sự vật, hiện tượng, và thiết lập mối liên hệ giữa chúng, từ đó khuyến khích thái độ quan tâm, bảo vệ các đối tượng trong thiên nhiên. Ví dụ, sử dụng sẵn nguồn đất, nước, không khí từ KBTTN Sơn Trà để tiến hành các thử nghiệm xem chúng có bị ô nhiễm hay không? Làm thí nghiệm so sánh mức độ ô nhiễm của không khí trên rừng Sơn Trà với không khí ở nơi có nhiều xe cộ qua lại dưới phố, từ đó giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của KBTTN – lá phổi xanh của thành phố.

Giáo dục vì KBTTTN Sơn Trà

Tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động thiết thức để bảo vệ KBTTTN như: nhặt rác, trồng cây, tuyên truyền đến gia đình, người thân, bạn bè cùng chung tay bảo vệ, đồng thời lên án và nói không với các hành vi không thân thiện môi trường như: lên rừng Sơn Trà bẻ cây hái cành, chọc phá, ăn thịt thú rừng, lãng phí điện nước, đốt lửa trong rừng, xả rác bừa bãi,…Tổ chức các trò chơi, hoạt động giải trí như:Trò chơi tình huống: nếu là chú kiểm lâm rừng Sơn Trà, em sẽ làm gì để ngăn chặn việc săn bắt thú rừng?; Em sẽ làm gì nếu tình cờ gặp một chú khỉ bị thương?…Tạo hình: tạo ra các sản phẩm mỹ thuật từ chính những vật liệu thiên nhiên hay vật liệu tái sử dụng để giúp trẻ tăng cường óc sáng tạo, cảm nhận được tính thẩm mĩ, hiểu biết về giá trị của tài nguyên thiên nhiên, và ý thức tiết kiệm nguồn tài nguyên đó.

Kết

Đức Phật từng nói: “Hiểu để yêu thương” – tình yêu thương chân thành xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc, hay tuệ sinh bi. Chúng ta cần có trách nhiệm đem sự hiểu biết đến cho trẻ, để trẻ được truyền cảm hứng và trở nên biết yêu thương, sống có trách nhiệm. TNTN địa phương chính là môi trường mà trẻ sinh sống, vui chơi, học tập và phát triển. Sử dụng nguồn TNTN này để giáo dục trẻ: giúp trẻ biết, hiểu rồi yêu và bảo vệ là một hướng tiếp cận giáo dục môi trường hiệu quả và bền vững nhất.

Xem thêm:

Đinh Thanh Hương 

Tài liệu tham khảo

Jutvik, G., & Liepina, I. (2007). Education for change: a handbook for teaching and learning sustainable development. Retrieved February26, 2013.Hoàng Thị Mỹ Hương, Bài giảng “Giáo dục – truyền thông môi trường”, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Nông Lâm tp HCM.Phạm Ngô Minh (2011), Sơn Trà, địa lý – văn hóa – du lịch, NXB Đà Nẵng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *