Quan điểm nhất quán của Đảng ta xuyên suốt từ Đề cương văn hóa (1943) cho đến báo cáo chính trị tại các kỳ đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề về văn hóa là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, xu thế hội nhập, trong đó có hội nhập văn hóa là một tất yếu; nhưng do tính chất đặc thù, nhạy cảm nên câu chuyện giữa bảo tồn và tiếp thu trong lĩnh vực văn hóa không phải lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”…
Đang xem: Hội nhập văn hóa là gì
Bản sắc dân tộc và tiếp biến văn hóa
Đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa từ nghĩa gốc là gieo trồng tinh thần (Cultus Animi), gần đây, UNESCO đã đưa ra một quan niệm văn hóa là tổng thể những gì phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Văn hóa là sự thể hiện bản sắc và phương thức tồn tại của một cộng đồng, vì vậy, bản sắc dân tộc chính là sức sống nội sinh, là thẻ căn cước biểu lộ một cách trọn vẹn nhất sự hiện diện của cộng đồng, dân tộc ấy trong quá trình giao lưu, hội nhập.
Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, Can Lộc) – một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách gần xa. Ảnh: Đình Thông |
Trải hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã rèn đúc, tôi luyện cho mình nhiều phẩm chất tốt đẹp, đó là: năng lực chế ngự thiên nhiên; tư duy độc lập, tự chủ trong chống giặc ngoại xâm; sự hình thành một hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc với tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cố kết cộng đồng, gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – đất nước; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa, trọng tình, lấy nhân nghĩa, lấy dân làm gốc; hòa hợp để hòa đồng, cần cù, khiêm tốn, giản dị trong lối sống… Tất cả tạo thành nhân cách của con người và được nhân dân làm thành nhân cách, cốt cách của dân tộc Việt Nam.
Bản sắc văn hóa Việt là tố chất được hợp luyện song hành với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bản sắc đó không phải là một hằng số, là những giá trị bất biến, mà có những giá trị mới được hình thành, bồi tụ trong quá trình hội nhập, tiếp biến giữa các nền văn hóa.
Các nhà nghiên cứu thường phân chia tiến trình văn hóa Việt Nam thành 6 giai đoạn (Tiền sử, Văn Lang – Âu Lạc, thời kì chống Bắc thuộc, Đại Việt, Đại Nam và thời hiện đại); các giai đoạn này tạo thành ba lớp chồng lên nhau: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Nếu như đặc trưng chính của lớp bản địa (mà nhiều người thường gọi là cơ tầng văn hóa Đông Nam Á) là một nền văn hóa đặc sắc với nghề nông nghiệp lúa nước là chủ yếu thì đối với lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa, đặc trưng chung là sự song song của hai xu hướng trái ngược nhau – Hán hóa và chống Hán hóa; tương tự, sự song hành Âu hóa và chống Âu hóa là đặc trưng chủ đạo của lớp văn hóa giao lưu với phương Tây.
Điểm qua những nét trên để thấy rằng, văn hóa dù hiểu theo nghĩa nào cũng đều thể hiện các mối quan hệ, ứng xử – với mình, với người, với sự việc, với dân tộc, nhân loại. Phải thống nhất về nhận thức văn hóa là đối thoại, là sự xâm nhập, đan xen, tác động qua lại, tương tác giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Vì vậy, các nền văn hóa luôn tiếp nhận nhau, vay mượn của nhau; mọi nền văn hóa đều thuộc di sản chung của nhân loại. Tiếp biến văn hóa, giao lưu với thế giới bên ngoài là một đòi hỏi khách quan, một quy luật của hưng thịnh, phát triển…
Hoa lành nhưng trái không hẳn đã ngọt
Như vậy, không phải đến thời kì toàn cầu hóa, nền văn hóa của các dân tộc, quốc gia mới được hội nhập, giao lưu, văn hóa Việt Nam cũng vậy. Chính sách “bế quan tỏa cảng” ngăn cản, làm trái quy luật giao lưu, mở cửa về văn hóa là bài học đắt giá trong lịch sử của dân tộc ta (triều Nguyễn) hoặc của một số quốc gia khác (triều Mãn Thanh, Trung Quốc). Tuy nhiên, trong lịch sử tiếp biến văn hóa, bên cạnh những xu hướng tự nhiên, hài hòa, cũng có không ít những cuộc cưỡng bức, nô dịch; và trước những cuộc “xâm lăng văn hóa” đó, không ít cộng đồng người, thậm chí là dân tộc, quốc gia đã bị đồng hóa. Hậu quả thì đã rõ, vì mất văn hóa cũng đồng nghĩa là mất bản sắc, mất dân tộc. UNESCO từng đưa ra quan điểm, suy cho cùng, sự phát triển của xã hội chính là sự phát triển của văn hóa và sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển.
Ca trù Cổ Đạm. Ảnh: Sỹ Ngọ |
Chìa khóa thành công của quá trình tiếp biến, giao lưu, hội nhập nói chung, trong đó, đặc biệt là về văn hóa chính là sự nhận thức được quy luật trên để chủ động trong mọi tình huống.
Xem thêm: Gỗ Hương Huyết Là Gì ? Bảng Bảng Giá Gỗ Hương Huyết? Gỗ Hương Là Gì
Việc thụ động tiếp thu, thiếu “gạn đục, khơi trong” như thời gian qua đã để lại nhiều hậu quả xấu, cả trong lĩnh vực tư tưởng, nghệ thuật và lối sống… Tình trạng xuống cấp đạo đức, chạy theo thị hiếu khác lạ hiện nay là những minh chứng nhãn tiền. Một bộ phận giới trẻ đang dậy lên trào lưu sống thử, sống gấp; nhiều hành vi, ứng xử đã trở thành thói quen như tiêu xài hoang phí, lười học tập, tự tạo xì-căng-đan; “công – dung – ngôn – hạnh” đã bị biến dạng, nhường chỗ cho sự phô phang cơ thể, lối sống thác loạn, trào lưu “hot girl”, “hot boy”, hành xử bạo lực; tâm lý tiêu dùng sùng ngoại, cả tiếng Việt cũng đứng trước nguy cơ bị vẩn đục…
Để lựa chọn một mô hình hội nhập văn hóa phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, đã có nhiều hội thảo khoa học, nhiều nhà nghiên cứu nêu lên những khía cạnh cần chú ý.
Ví, giặm là di sản văn hóa mang đậm bản sắc của người Nghệ, Xứ Nghệ, thể hiện trên hầu hết các phương diện như âm nhạc, diễn xướng dân gian, ca từ, thời gian, không gian văn hóa, đối tượng tham gia… Ảnh: Anh Hoài |
Trước hết, đó là không e ngại sự áp đảo của toàn cầu hóa, không “dị ứng” với mọi biểu hiện của văn hóa nhân loại. Thâm nhập vào thế giới một cách chủ động, tự tin, tự nhiên, sẵn sàng đối thoại với các nền văn hóa với tư duy đa dạng văn hóa trên cơ sở lấy văn hóa dân tộc làm gốc. Chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ việc giữ gìn, phát huy cốt cách văn hóa dân tộc mới đi tới được văn hóa nhân loại.
Thứ hai, phải nhận thức được văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế và chính trị, thúc đẩy kinh tế và chính trị phát triển. Như vậy, trong khi đẩy mạnh CNH-HĐH, cùng với phát triển kinh tế vẫn phải có niềm tin và biện pháp tích cực để phát triển văn hóa tinh thần.
Thứ ba, phải xuất phát từ tư duy phương Đông, tìm kiếm tính thống nhất của vũ trụ, sự hài hòa giữa những mâu thuẫn. Trong mối quan hệ Đông – Tây, dân tộc và nhân loại, cần phải xác định cái chung và cái riêng; vật chất và tinh thần; nội sinh và ngoại sinh để tập trung giải quyết sự cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố.
Thứ tư, có “vay” thì phải có “trả”. “Vay” thì phải sáng tạo và không được trở thành kẻ bắt chước. “Trả” thì phải xứng đáng là một dân tộc trong số ít của thế giới có nền văn hóa tiêu biểu. Giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa nhân loại vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự.
Xem thêm: Cấu Trúc In Case Nghĩa Là Gì, Cách Đơn Giản Để Phân Biệt In Case Và In Case Of
Thứ năm, phải xác định giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc là một ý thức chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Người cũng đã chỉ rõ, cái gì bổ ích và cần thiết, cái gì tốt và hay thì ta phải học lấy, tiếp nhận để làm giàu cho văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của nhân dân. Cái gì mới mà hay thì tiếp thu, còn cái mới mà lai căng, xấu xa thì cương quyết loại bỏ…
Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) đã khẳng định: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc”. Thiết nghĩ, đó là vừa là định hướng chung, đồng thời là phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vận dụng vào thực tiễn phát triển hiện nay của địa phương, một vùng địa linh nhân kiệt, giàu trầm tích văn hóa và đang đứng trước những cơ hội lớn để vươn mình nhưng cũng đối diện với không ít thách thức của xu thế hội nhập văn hóa.