Nếu bạn là một dịch giả, dù ở cấp độ non tay hay một tay dịch gạo cội, đều sẽ gặp phải những khái niệm vô cùng phức tạp mà đôi khi chúng ta không biết dịch như thế nào. Chúng ta sẽ đổ tội tiếng Việt chăng? Đổ tội cho tiếng Việt thì oan cho tiếng Việt quá. Lỗi không ở tiếng Việt mà lỗi ở chính hệ thống dịch thuật nói riêng và học thuật nói chung ở nước ta.
Đang xem: Khái niệm tiếng anh là gì
Do các tác phẩm hàn lâm ít được dịch một cách có hệ thống, thế nên các khái niệm học thuật cũng như khái niệm thông thường được sử dụng một cách bừa bãi, thiếu quy chuẩn chung. Các dịch giả sẽ gặp khó khăn trong việc tra cứu các khái niệm chuyên ngành quan trọng. Những ngành nghiên cứu căn bản và có nền tảng lâu đời như Văn học, Lịch sử, Toán học, Vật Lý, Hóa Học thì người dịch có thể dễ dàng tra cứu; nhưng những chuyên ngành mới như Khoa học não bộ, Công nghệ thông tin…, hoặc những chuyên ngành chưa được đưa vào Việt Nam như Thần học, hoặc đã đưa vào nhưng được đưa thiếu tính hệ thống như Triết học, Tâm lý học, Chính trị học, Kinh tế học… thì sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tra cứu nghĩa của khái niệm cũng như tìm một khái niệm tương đương. Và đương nhiên, người dịch sẽ phải tùy cơ ứng biến, tự dịch theo cách của mình, theo những gợi ý khác nhau từ những người dịch trước, đôi khi sẽ dịch sai mà không biết. Vậy thì chúng ta phải làm như thế nào để dịch đúng.
Dưới đây là các bước để bạn có thể dịch một khái niệm sao cho đúng:
Bước 1: Hiểu nghĩa của khái niệm
Khi gặp một khái niệm, bạn hãy tra cứu nghĩa của khái niệm ấy bằng các từ điển Anh – Anh có uy tín như Oxford hay Cambridge. Nếu khái niệm là một tổ hợp những vấn đề quá trừu tượng và nhiều mô tả mà bạn không thể hiểu bằng từ điển Anh – Anh, bạn có thể search khái niệm ấy trên Youtube. Trên Youtube có nhiều kênh có thể hỗ trợ bạn hiểu khái niệm một cách sơ lược bằng infographic. Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về khái niệm ấy, bạn có thể tận dụng Wikipedia. Đương nhiên, việc hiểu khái niệm sẽ đơn giản hơn nếu bạn dịch đúng chuyên ngành mà bạn đang học chứ không phải dịch trái ngành.
Bước 2: Tìm thử dịch nghĩa tiếng Việt
Nếu may mắn bạn sẽ tìm được phần dịch của những người đi trước bạn. Tuy nhiên, bạn phải kiểm tra lại cách họ dịch có đúng hay không. Để kiểm tra lại phần dịch của họ, bạn có thể xem bước thứ 3. Đây cũng là bước cần thực hiện khi bạn không tìm thấy phần dịch tiếng Việt.
Xem thêm: Lập Trình Dotnet Là Gì – Cách Trở Thành Lập Trình Viên
Bước 3: Chiết tự các khái niệm
Có một rắc rối lớn cho những người dịch khi dịch các khái niệm đó là phải sử dụng các từ Hán Việt để diễn tả bởi từ Hán Việt hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn so với từ thuần Việt. Thế nhưng, với chất lượng dạy và học văn trong nhà trường hiện nay, những dịch giả trẻ sẽ đối mặt với tình trạng có vốn từ Hán Việt hạn chế. Thế nên, một cuốn từ điển Hán Việt sẽ cần thiết cho người dịch trong trường hợp này.
Bạn có thể dùng từ điển tra cứu từ nguyên bằng tiếng Anh để phân tích các tiền tố, hậu tố, từ gốc của khái niệm. Bạn có thể nhìn thấy phàn từ nguyên này ngay trên Wikipedia hoặc các trang tra cứu Etymology (từ nguyên) trên mạng. Sau khi hiểu chiết tự tiếng Anh của khái niệm, bạn có thể tìm các từ đơn trong tiếng Hán Việt có liên quan. Rồi sau đó, ta có thể ghép các từ ấy lại thành một từ có nghĩa. Bằng cách tra cứu này, bạn có thể tìm hiểu xem một khái niệm có được một dịch giả nào đó dịch đúng hay không.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý một điều rằng, một khái niệm được dịch ra từ Hán Việt có thể rất tối nghĩa và có thể khiến người khác khó hiểu hơn. Vậy thì, với một khái niệm quá phức tạp bạn hoàn toàn có thể dịch theo nghĩa thuần Việt dù diễn đạt có thể sẽ loằng ngoằng. Và bạn nhớ nên chú thích khái niệm gốc bằng tiếng Anh ngay cạnh phần dịch thuần Việt này. Nếu bằng một cụm từ không quá dài thuần Việt (từ 3 đến 7 từ ghép lại) mà có thể diễn đạt được khái niệm tiếng Anh thì bạn cũng không cần tìm kiếm một từ Hán Việt tối nghĩa.
*Tóm lại, khi bạn dịch một khái niệm, điểm mấu chốt mà bạn phải nắm đó là: bản thân phải hiểu khái niệm thật rõ ràng bởi vì chỉ khi hiểu khái niệm ấy rất rõ ràng bạn mới có thể tìm được phương thức diễn đạt hợp lý để giải thích cho người đọc.