Khóa luận tốt nghiệp được xem là thử thách cuối cùng của quãng đời sinh viên, trước khi thành công bước ra khỏi cánh cổng trường Đại học. Vậy khóa luận tốt nghiệp là gì và có nhất thiết cần phải làm khóa luận tốt nghiệp hay không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Khóa luận tốt nghiệp là gì?
Khóa luận tốt nghiệp là công trình nghiên cứu về một đề tài cụ thể của các bạn sinh viên năm cuối của các trường Đại học thực hiện, sau khi đã đủ những điều kiện tiên quyết cơ bản do nhà trường quy định. Khóa luận tốt nghiệp được xem là một trong những hình thức tốt nghiệp, bên cạnh những hình thức khác như thi tốt nghiệp, làm báo cáo thực tập,…Trường Đại học sẽ dựa vào khóa luận tốt nghiệp này để đánh giá năng lực của sinh viên, đồng thời ghi nhận nội dung của khóa luận tốt nghiệp có đóng góp thiết thực cho chuyên ngành đào tạo.
Đang xem: Khóa luận tốt nghiệp là gì
Tuy nhiên, khóa luận tốt nghiệp không dành cho tất cả các sinh viên mà chỉ được áp dụng cho những bạn sinh viên đạt đủ tiêu chuẩn. Nói cách khác, để có thể tham gia làm khóa luận tốt nghiệp, sinh viên phải đạt đủ những yêu cầu của nhà trường, thông thường thì những học sinh giỏi, xuất sắc mới có thể làm khóa luận tốt nghiệp.
Ví dụ, nhiều trường chỉ xét những sinh viên đạt 7.0 (đối với hệ 10) được làm khóa luận tốt nghiệp, nhiều trường có yêu cầu khắt khe hơn, những sinh viên giỏi, xuất sắc (từ 8.0 trở lên) mới có thể đăng ký làm khóa luận tốt nghiệp. Vì vậy, không phải sinh viên nào muốn làm khóa luận tốt nghiệp cũng có thể được làm.
Chương trình làm khóa luận tốt nghiệp phải tuân thủ các quy định, quy trình thực hiện của Khoa và Bộ môn đặt ra. Sau khi sinh viên hoàn tất đề tài tốt nghiệp, sinh viên sẽ phải bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của mình trước hội đồng nhà trường. Chỉ khi bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp thì sinh viên mới có đủ điều kiện ra trường.
2. Mục tiêu của khóa luận tốt nghiệp
Vậy mục tiêu của khóa luận tốt nghiệp là gì? Tại sao nhà trường lại áp dụng hình thức xét tốt nghiệp này cho những học sinh giỏi, xuất sắc, có kết quả học tập tốt mà không áp dụng cho tất cả sinh viên. Khóa luận tốt nghiệp được diễn ra bởi những mục tiêu sau đây:
Tạo điều kiện để sinh viên nâng cao những kiến thức chuyên ngành đã học được và trang bị thêm những kỹ năng cần thiết và phát huy thế mạnh trong việc nghiên cứu những công trình khoa học.
Sinh viên được hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong chương trình để vận dụng sáng tạo chúng trong khóa luận tốt nghiệp.
Sinh viên rèn được tính chủ động, làm việc độc lập, có trách nhiệm và sáng tạo trong suốt quãng thời gian làm khóa luận tốt nghiệp.
3. Nội dung của khóa luận tốt nghiệp
Trong phần nội dung làm khóa luận tốt nghiệp này, honamphoto.com sẽ hướng dẫn bạn cách làm, các bước để làm khóa luận tốt nghiệp chuẩn nhất. Cùng theo dõi để biết được khi bắt tay vào làm khóa luận tốt nghiệp các bạn sẽ phải chuẩn bị những gì nhé.
3.1. Lựa chọn và xây dựng đề tài nghiên cứu
Việc lựa chọn đề tài nghiên cứu có thể dựa trên một danh sách những chủ đề mà nhà trường và thầy cô gợi ý sẵn cho sinh viên, đều là những chủ đề cấp thiết, có liên quan mật thiết đến chuyên ngành mà bạn theo học. Bạn cũng có thể tự đưa ra đề tài mà mình quan tâm cũng như muốn dành thời gian và tâm sức để nghiên cứu. Tuy nhiên đề tài này phải được nhà trường phê duyệt để xác nhận tính thiết thực của đề tài.
Việc xây dựng đề tài nghiên cứu cần phải được thực hiện ngay sau khi xác định được để tài. Xây dựng được đề cương, dàn ý cho bài luận ngay từ đầu sẽ khiến công việc nghiên cứu sau này trở nên thuận lợi và đúng hướng hơn.
3.2. Phần mở bài
Trong phần mở bài, sinh viên cần chú ý để đảm bảo các nội dung chính sau:
Tính cấp thiết của đề tài: Giá trị của đề tài, lý do lựa chọn đề tài
Tình hình nghiên cứu đề tài: có bao nhiêu người đã nghiên cứu về đề tài này? có bao nhiêu công trình xuất sắc trước đó rồi?
Mục đích nghiên cứu đề tài: mục đích nghiên cứu đề tài này là gì? thiết thực như thế nào? có giá trị gì trong cuộc sống?
Đối tượng nghiên cứu cụ thể: nêu rõ, cụ thể, chi tiết về đề tài nghiên cứu của mình
Phạm vi nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu
Cấu trúc, kết cấu của khóa luận
3.3. Phần nội dung chính
Nội dung chính của khóa luận sẽ được chia thành các chương và các mục nhỏ. Bố cục của phần nội dung chính cần được sắp xếp một cách logic, dễ hiểu. Sinh viên cần nắm chắc ý chính của từng phần để có thể triển khai ý một cách chi tiết, cụ thể và hiệu quả nhất.
3.4. Phần kết luận
Ở phần kết luận, sinh viên nên tóm gọn kết quả của đề tài nghiên cứu, những thành quả mà mình đã thu hoạch được, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề được nhắc đến trong đề tài.
Cuối cùng, sinh viên cũng cần đề cập đến những nguồn tài liệu mà bản thân đã tham khảo để tăng tính tin cậy.
4. Kinh nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp
Để có thể hoàn thành khóa luận tốt nghiệp suôn sẻ, bạn nên tham khảo một số kinh nghiệm được đúc kết sau đây.
4.1. Lựa chọn đề tài và thầy cô hướng dẫn
Khâu lựa chọn đề tài và thầy cô hướng dẫn vô cùng quan trọng. Bởi nếu bạn lựa chọn đề tài nhàm chán ngay từ đầu thì bạn sẽ dễ bị nản chí giữa chừng, và quá trình làm khóa luận tốt nghiệp của bạn có thể đi vào ngõ cụt. Vậy bạn nên chọn đề tài trước hay chọn thầy cô hướng dẫn trước?
Thực tế cho thấy rằng lựa chọn thầy cô hướng dẫn trước sẽ mang đến nhiều lợi ích cho bạn hơn. Bởi bạn có thể đăng kí để lựa chọn những giảng viên giỏi ngay từ đầu để theo. Sau đó, thầy cô sẽ chọn bạn một danh sách những đề tài là thế mạnh của thầy cô. Bởi vậy, nên khi đi theo thầy cô hướng dẫn thì bạn sẽ được chăm chút và hướng dẫn tỉ mỉ hơn.
Nếu bạn lựa chọn đề tài trước rồi mới chọn giảng viên hướng dẫn thì rất dễ rơi vào trường hợp đề tài không phải là thế mạnh của thầy cô, vì vậy mà bạn sẽ vất vả hơn trong quá trình làm khóa luận.
Thầy cô hướng dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, chỉ dẫn, giải đáp phần nào những khó khăn, thắc mắc của bạn. Thêm vào đó, thầy cô cũng có những tài liệu quý giá mà bạn khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
4.2. Báo cáo tiến độ
Việc báo cáo tiến độ làm khóa luận định kỳ là vô cùng quan trọng và cần thiết, giúp bạn đi đúng hướng và kịp thời điều chỉnh những sai sót. Nhiều khi thầy cô sẽ không yêu cầu việc báo cáo thường xuyên này nhưng bạn cũng nên thực hiện nó hàng tuần. Giáo viên sẽ nhắc bạn thêm về những nội dung cần nghiên cứu sâu, nhấn trọng âm, giới hạn nội dung và chỉ ra những sai sót của bạn.
Khi trao đổi với giáo viên hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, bạn nên đến gặp trực tiếp để trao đổi cụ thể. Chỉ có sắp xếp được thời gian gặp gỡ trực tiếp với thầy cô bạn mới có thể giải quyết triệt để được những khúc mắc mà mình gặp phải. Việc trao đổi qua email cũng là một cách thức được thực hiện. Tuy nhiên, việc trình bày bằng con chữ đôi khi khiến vấn đề trở nên dài dòng, khó hiểu. Khi thầy cô phản hồi lại mail của bạn cũng rất khó diễn đạt để bạn có thể hiểu được.
Trong quá trình báo cáo, gặp gỡ, trao đổi với thầy cô, nhiều bạn sẽ trải qua cảm giác “mình chưa làm được gì” mặc dù bạn đã dồn nhiều tâm sức vào nó. Tuy nhiên,đừng vội hoảng hốt về những câu hỏi và yêu cầu mà thầy cô đưa ra cho bạn mà hãy chú trọng hỏi sâu hơn về những gợi ý mà thầy cô đưa ra.
4.3. Tham khảo tài liệu
Việc tham khảo tài liệu khi làm khóa luận thực sự cần thiết, bởi một công trình dài như vậy, bạn không thể tự “bịa” ra hết được mà cần phải sáng tạo trên những nền tảng đã sẵn có. Đó có thể là những nghiên cứu của những chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực bạn đang nghiên cứu. Cũng có thể là báo cáo của những anh chị đi trước. Bạn nên tham khảo càng nhiều nguồn tài liệu càng tốt, bởi nó sẽ giúp bạn định hướng bạn cần làm gì và triển khai bố cục như thế nào.
4.4. Không nên đi làm thêm
Đa phần các bạn sinh viên thường có cho mình một công việc làm thêm ngay từ năm nhất, năm hai Đại học. Đối với sinh viên năm cuối, việc có cho mình một công việc part time, thậm chí là full time không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, trong quá trình làm khóa luận tốt nghiệp, các bạn được khuyên là tạm hoãn công việc, hoặc giảm thiểu thời gian đi làm để tập trung cho đến khi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.
Việc đi làm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn cả về thể chất và tinh thần. Bạn có công nhận là sau mỗi giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, bạn chỉ muốn về nhà và leo lên giường ngủ? Vậy mà giờ đây, bạn còn phải dành thời gian để nghiên cứu đề tài khóa luận? Có nhiều bạn sẽ khăng khăng bản thân có thể cân đối được cả hai việc. Tuy nhiên, việc thiếu ngủ, thiểu thời gian nghỉ ngơi có thể khiến bạn bị stress, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cả trong công việc lẫn học tập.
Quan trọng là, nếu đi làm thêm, bạn khó có thể sắp xếp được thời gian để đi gặp giáo viên hướng dẫn đề tài, khó có thể theo kịp được tiến trình. Đó còn chưa kể nếu đi làm, bạn sẽ có tâm lý ham làm, ham kiếm tiền, từ đó bỏ bê việc học. Vì vậy, lời khuyên cho những bạn đã quyết tâm làm khóa luận tốt nghiệp chính là giảm thiểu thời gian đi làm lại để tập trung cho khóa luận tốt nghiệp trước đã.
5. Bí quyết để bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp
Cuối cùng, sau khi đã hoàn thành “công trình” nghiên cứu của mình, bạn cần phải bảo vệ khóa luận của mình trước thầy cô và giảng viên nhà trường. Vậy bí quyết nào để có thể bảo vệ thành công khóa luận của mình? Công sức chuẩn bị của bạn vài tháng trời được trình bày chỉ trong từ 15-20 phút. Vì vậy bạn phải khiến buổi bảo vệ khóa luận diễn ra thật thành công.
5.1. Chuẩn bị slide
Slide là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực để buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của bạn diễn ra thành công và suôn sẻ nhất. Slides của bạn cần phải sinh động, hình ảnh minh họa rõ nét, phù hợp với nội dung khóa luận của bạn. Slides thuyết trình hấp dẫn sẽ thu hút người nghe và khiến khóa luận tốt nghiệp của bạn được đánh giá cao.
Kỹ năng làm slides đẹp không phải tự nhiên mà có, bởi vậy, bạn cần phải thực hành, học hỏi, căn chỉnh sao cho đẹp mắt nhất có thể. Càng làm nhiều slides và càng chịu khó học hỏi, tìm tòi, trình độ làm slides của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
5.2. Luyện nói
Thực hành thuyết trình trước buổi bảo vệ khóa luận chính thức là điều rất quan trọng. Có sự chuẩn bị trước về nội dung giúp bạn thuyết trình suôn sẻ hơn, nói được những nội dung chủ chốt, lược bỏ những phần thừa và nhấn mạnh những phần quan trọng.
Luyện tập nhiều lần cũng khiến bạn cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Sự tự tin cũng chính là một trong những yếu tố khiến bạn trở nên thu hút và bài luận tốt nghiệp của bạn thuyết phục được người nghe.
Xem thêm: Bảng Giá Dao Cách Ly Tiếng Anh Là Gì ? Nghĩa Của Từ Dao Cách Ly
5.3. Căn chỉnh bố cục và thời gian nói
Bạn sẽ có thời gian quy định cụ thể để trình bày hết nội dung đề tài của mình. Nếu bạn nói quá thời gian, kéo dài nó thì có thể sẽ rơi vào nguy cơ bị trừ điểm. Hơn nữa, một bài thuyết trình dài lan man đôi khi sẽ khiến người nghe cảm thấy nhàm chán. Nhiều trường còn cài đặt thời gian, không cho phép bạn nói quá thời gian quy định. Nên nếu hết thời gian mà bạn vẫn chưa trình bày được hết phần thuyết trình mình đã chuẩn bị thì thật đáng tiếc. Một bài thuyết trình không hoàn chỉnh sẽ khiến bạn bị mất điểm.
Ngược lại, nếu bạn nói xong trước thời gian quy định và bỏ phí quá nhiều thời gian trống thì phần bảo vệ khóa luận của bạn có lẽ đã sơ sài rồi đó. Hãy tận dụng thời gian quý báu để làm hết sức mình nhé.
Việc căn chỉnh thời gian và sắp xếp bố cục khiến bạn phải chủ động lược bỏ những phần ít quan trọng và tập trung vào những phần quan trọng hơn. Thầy cô cũng dựa vào phần này mà đánh giá nội dung khóa luận của bạn nên hãy chú ý cẩn trọng nhé.
5.4. Phong thái tự tin
Sự tự tin, bình tĩnh không những giúp bạn trình bày vấn đề một cách thuyết phục mà còn giúp bạn tạo ấn tượng với người nghe. Nếu bạn không tự tin, bạn sẽ thể hiện sự lúng túng ra ngoài, lời nói có thể sẽ không được trôi chảy, từ đó không thể thuyết phục được người nghe tin tưởng vào quan điểm của bạn.
Mỗi người sẽ có một phong cách thuyết trình khác nhau. Có người toát ra sự điềm tĩnh, giải quyết vấn đề. Có người lại trình bày vấn đề theo cách hoạt náo, sôi nổi, lôi cuốn người nghe. Nhưng dù ở phong cách nào thì bạn cũng cần phải tự tin, bởi sự tự tin sẽ toát lên trong ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, lời nói của bạn.
Để có một bài thuyết trình thành công, bên cạnh phong thái tự tin, bạn cũng cần lưu ý một số điểm như:
Có cách mở đầu ấn tượng, thu hút, lôi cuốn
Trình bày lưu loát (việc thực hành thường xuyên và luyện tập trước ở nhà sẽ giúp bạn trình bày trôi chảy, lưu loát hơn)
Nhấn mạnh những điều quan trọng giúp người nghe nhận thấy phần nội dung này đặc biệt, quan trọng hơn những phần nội dung khác
Kết thúc ấn tượng: phần kết thúc đặc biệt quan trọng vì nó giúp để lại dư âm trong lòng người nghe. Nếu như bài thuyết trình của bạn ấn tượng nhưng phần kết lại buồn chán thì chắc chắn thầy cô sẽ không cho bạn đạt điểm số tối đa được
Chuẩn bị những câu hỏi: phần trả lời câu hỏi là phần quan trọng đối với một khóa luận tốt nghiệp. Hãy cố gắng chuẩn bị cách trả lời cho những câu hỏi mà bạn nghĩ rằng có thể được hỏi. Chuẩn bị kỹ để tránh bối rối, bất ngờ khi nghe được những câu hỏi khó từ hội đồng chấm khóa luận.
6. Có nên làm khóa luận tốt nghiệp?
Việc làm khóa luận tốt nghiệp hay không là một trong những câu hỏi mà nhiều bạn sinh viên cân nhắc. Bởi thực tế cho thấy rằng, nhiều đối tượng sinh viên đạt đủ các tiêu chuẩn của nhà trường để có thể làm khóa luận tốt nghiệp nhưng lại từ chối và “xin” để không phải làm khóa luận này. Tại sao lại vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những lợi ích và e ngại khi làm khóa luận tốt nghiệp nhé.
6.1. Lợi ích của khóa luận tốt nghiệp
Khóa luận tốt nghiệp được xem là cơ hội tốt để các sinh viên cải thiện điểm số và nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của bản thân. Cụ thể khóa luận tốt nghiệp có thể mang đến những lợi ích sau.
6.1.1. Mang đến niềm tự hào
Bởi vì không phải sinh viên nào cũng được xét duyệt đủ tiêu chuẩn để có thể được làm khóa luận tốt nghiệp nên những sinh viên thuộc top đầu của khoa khi được lựa chọn sẽ cảm thấy vô cùng tự hào. Đối với những trường Đại học danh tiếng, khi làm khóa luận, bạn sẽ phải thực sự nghiêm túc nghiên cứu đề tài, gặp gỡ trao đổi với thầy cô hướng dẫn có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Sinh viên được bày tỏ quan điểm của mình và thể hiện những ý tưởng hay trên trang giấy, được nhiều người biết tới và đánh giá. Đây thực sự là một niềm tự hào, vinh dự và cơ hội vô cùng lớn mà không phải ai cũng dễ dàng có được.
6.1.2. Điểm số cao
Với những sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, sinh viên được hướng dẫn tận tình bởi những thầy cô giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm từ những bước tiến hành đầu tiên như chọn đề tài, tìm hiểu tài liệu, viết khóa luận. Quá trình làm việc được theo dõi sát sao để có thể hoàn thành khóa luận tốt nghiệp một cách tốt nhất.
Trong quá trình làm khóa luận tốt nghiệp, sinh viên sẽ phải làm báo cáo thường xuyên, làm powerpoint thuyết trình, mất rất nhiều công sức và tâm huyết. Bởi vậy, bài luận tốt nghiệp thường được đánh giá cao và cũng thường đạt được điểm số tương đối cao. Điểm số 10, 9.5 cho các khóa luận tốt nghiệp là một điểm số không phải là hiếm gặp.
Với những sinh viên muốn nâng điểm tổng kết lên thì đây chính là một cơ hội rất tốt. Có những bạn đang ở ngưỡng cố thêm một chút là có thể thay đổi xếp loại bằng tốt nghiệp, từ bằng giỏi lên bằng xuất sắc, hay từ bằng khá lên bằng giỏi thì đây chính là một trong những cơ hội tuyệt vời.
6.1.3. Cải thiện kiến thức và kỹ năng
Quá trình làm khóa luận tốt nghiệp sẽ giúp sinh viên cải thiện được kiến thức và nhiều kỹ năng bổ ích, phục vụ cho công việc và cuộc sống sau này. Đặc biệt những kiến thức được trau dồi là những kiến thức chuyên sâu về ngành đào tạo nên có thể hữu ích để sinh viên tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mà mình yêu thích sau này.
Sau khi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, sinh viên có thể tự tin với những kỹ năng mà mình được trau dồi như kỹ năng tìm hiểu thông tin, tài liệu, phương pháp nghiên cứu khoa học, biết cách chắt lọc thông tin và hệ thống hóa kiến thức, biết cách viết nội dung một cách khoa học, sáng tạo, nhuần nhuyễn. Quá trình làm khóa luận tốt nghiệp giúp sinh viên rèn luyện được tính tự giác, độc lập, khả năng nghiên cứu khoa học, tăng thêm sự tự tin và mở rộng thêm được nhiều mối quan hệ với thầy cô và bạn bè.
6.2. Những e ngại khi làm khóa luận tốt nghiệp
Bên cạnh những lợi ích mà khóa luận tốt nghiệp mang lại, vẫn có những vấn đề khiến các bạn sinh viên e ngại rồi tự đặt cho mình câu hỏi, làm khóa luận tốt nghiệp có thực sự cần thiết?
6.2.1. Tốn thời gian
Việc làm khóa luận tốt nghiệp lấy đi rất nhiều thời gian và công sức của các bạn sinh viên. Để có thể có được một bài luận chất lượng, thời gian có thể kéo dài đến vài tháng. Trong quá trình thực hiện, còn cần phải thường xuyên làm báo cáo nộp thầy cô để theo dõi tiến trình, làm slides thuyết trình để thuyết phục thầy cô lắng nghe những ý kiến, quan điểm của mình.
Trong khi thời gian đó nhiều bạn có thể dành để đi làm thêm những công việc part-time, học hỏi thêm kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhiều bạn cho rằng việc đi làm trong thời gian còn là sinh viên mang đến cho các bạn nhiều điều hữu ích hơn cho công việc sau này khi ra trường. Bởi nhiều vị trí công việc đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn hơn là xếp loại tấm bằng Đại học. Thêm vào đó, việc đi làm sẽ cải thiện được những kỹ năng cần thiết trong công việc, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ. Và đây thực sự là suy nghĩ của nhiều bạn sinh viên hiện nay, cũng là lý do khiến các bạn từ chối làm khóa luận tốt nghiệp, dù cho bản thân có đủ điều kiện được thực hiện khóa luận.
Hơn nữa, làm khóa luận tốt nghiệp tốn thời gian hơn rất nhiều so với việc tham gia kì thi tốt nghiệp hay đi thực tập. Nếu trường Đại học có tổ chức kỳ thi xét tốt nghiệp thì bạn chỉ cần dành ra một khoảng thời gian ngắn trước khi thi là có thể dễ dàng vượt qua kì thi và tốt nghiệp đúng hạn. Còn nếu làm báo cáo thực tập, các bạn có thể học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian thực tập tại các công ty lớn. Thường là chỉ khoảng từ 2-3 tháng. Sau đó làm báo cáo thực tập thường cũng đơn giản hơn nhiều so với khóa luận tốt nghiệp. Một bản báo cáo thực tập chỉ có độ dài khoảng 50 trang đổ xuống, trong khi khóa luận tốt nghiệp có thể lên tới vài trăm trang thậm chí hàng nghìn trang giấy A4.
6.2.2. Tốn chi phí
Không những tốn thời gian nghiên cứu đề tài, làm báo cáo, dồn nhiều tâm huyết và công sức mà làm khóa luận tốt nghiệp còn khiến các bạn sinh viên tốn kém nhiều chi phí. Với những bạn vẫn đang đi học, chưa đi làm, và phải trang trải thêm nhiều khoản chi phí khác thì chi phí làm khóa luận tốt nghiệp cũng là một trong những điều đáng quan ngại.
Các chi phí có thể kể đến như chi phí mua tài liệu tham khảo. Tài liệu miễn phí trên mạng thường sẽ không thật sự chất lượng và không đáp ứng được yêu cầu về kiến thức chuyên sâu về khối ngành mà các bạn đang nghiên cứu. Bởi vậy, để có thể có được những thông tin chính xác và chất lượng, thiết thực thì sinh viên cần tìm mua những nguồn tài liệu tin cậy, uy tín, của những tác giả lớn trên thế giới. Những cuốn tài liệu này có thể được gợi ý bởi thầy cô hướng dẫn cho các bạn.
Chi phí in ấn, photo cũng là một chi phí đang được nhắc tới trong thời gian làm luận văn. Không chỉ là chi phí in những cuốn luận văn dày, có bìa cứng, được thiết kế đẹp, giá in có thể lên tới vài trăm ngàn, mà còn là chi phí những lần in báo cáo theo dõi tiến trình cho thầy cô, chi phí in slides thuyết trình để thầy cô tiện theo dõi,…So với việc thi tốt nghiệp hay làm báo cáo thực tập thì chi phí in ấn cho khóa luận tốt nghiệp thực sự chênh lệch hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, một khoản phí mà chỉ có những sinh viên trong trường mới biết được khi thực hiện khóa luận tốt nghiệp đó là chi phí “đi” thầy cô. Tất nhiên không phải trường nào cũng có hiện tượng này nhưng có những trường mà khoản chi phí này sinh viên chỉ có thể biết được nhờ những anh chị khóa trước. Vì vậy, việc thực hiện khóa luận tốt nghiệp thực sự mang đến cho sinh viên nhiều sự e ngại.
6.2.2. Không thực sự cần thiết
Nhiều bạn từ chối làm khóa luận tốt nghiệp bởi cảm thấy điểm số cao, kết quả mà khóa luận mang lại thực sự không cần thiết với họ. Có thể điểm số đó sẽ kéo điểm trung bình chung của bạn lên đáng kể. Tuy nhiên, với những bạn mà có được 10 điểm khóa luận tốt nghiệp đi chăng nữa mà xếp loại bằng vẫn không có sự thay đổi, thì các bạn sẽ chọn cách không làm khóa luận để có thể tiết kiệm được công sức và tiền bạc hơn.
Thêm vào đó, có nhiều bạn sinh viên cho rằng kinh nghiệm thực tiễn quan trọng hơn rất nhiều so với xếp loại bằng. Thực tế cho thấy, nhiều công việc đánh giá năng lực của các bạn cao hơn rất nhiều lần so với việc bạn sở hữu một tấm bằng giỏi nhưng lại không có kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Thị trường lao động hiện nay với những đòi hỏi, yêu cầu cụ thể như vậy nên nhiều bạn sinh viên cũng chọn cho mình những hướng đi khác, lựa chọn thực hành, va chạm, học từ cuộc sống hơn là học những lý thuyết trong sách vở.
Có nhiều trường Đại học có nhiều tiêu cực nên khóa luận tốt nghiệp không thực sự chất lượng như mong đợi. Sinh viên cảm thấy bản thân không học hỏi được nhiều kiến thức, kĩ năng sau khi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, cũng như những ý kiến, quan điểm của mình trong bài luận không được coi trọng và đánh giá cao. Vì vậy, việc làm khóa luận tốt nghiệp chỉ càng tốn thêm thời gian, công sức, tiền bạc, nên nó thực sự không cần thiết và là lí do để ngày càng nhiều sinh viên khá giỏi từ chối “cơ hội” này.
6.2.4. Nhiều khó khăn, thách thức
Việc làm khóa luận tốt nghiệp có rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ, khả năng làm việc độc lập cao. Bởi vậy, nếu như những sinh viên còn đang bận rộn với công việc riêng của mình, không có nhiều thời gian đầu tư thì khó có thể có được bài luận tốt nghiệp chất lượng. Để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, các bạn cần có sự kiên trì, bền bỉ và áp lực cực kì cao. Làm việc nghiêm túc, căng thẳng đầu óc, nghiên cứu tài liệu trong vài ba tháng liên tục không phải là việc đơn giản và không phải sinh viên nào cũng sẵn sàng làm điều này.
Nhiều trường Đại học danh tiếng còn nổi tiếng với việc chấm điểm khắt khe, yêu cầu cao đối với bài luận của sinh viên, đưa ra nhiều câu hỏi khó lúc bảo vệ khóa luận. Điều này càng làm sinh viên cảm thấy e sợ khi quyết định lựa chọn khóa luận tốt nghiệp là hình thức để xét tốt nghiệp ra trường.
Sự hướng dẫn của thầy cô là vô cùng quan trọng để định hướng đúng đắn cho sinh viên hoàn thành khóa luận. Tuy nhiên, bởi thầy cô cần quan tâm sát sao một số sinh viên khác nữa, và thầy cô cũng chỉ định hướng cho các bạn nên phần lớn công việc các bạn vẫn phải đảm đương. Những giảng viên có tiếng thì thường có rất ít thời gian rảnh và chỉ có chút ít thời gian chỉ dẫn cho bạn. Trước khi đến gặp gỡ, hỏi sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn cũng cần phải chuẩn bị rất kỹ để có thể tìm ra được vấn để thực sự của mình, để không “lãng phí” thời gian của những lần trao đổi đó.
Xem thêm: Chỉ Khi Đó Tiếng Anh Là Gì ? Trong Khi Đó In English With Contextual Examples
Nói chung, làm khóa luận tốt nghiệp thực sự áp lực và nếu như không có khả năng làm việc độc lập mạnh mẽ, tự tin, quyết tâm, thì khó có thể hoàn thành với kết quả tốt nhất được.
Như vậy, trên đây là những thông tin bạn cần tìm hiểu khi làm khóa luận tốt nghiệp. honamphoto.com chúc các bạn thành công với khóa luận tốt nghiệp của mình để ra trường thuận lợi với kết quả tốt nhất. Chúc các bạn thành công!