Gia đình là tiền đề cho phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, bản sắc xã hội và năng lực xúc cảm, cho tình yêu và sự gần gũi. Theo Trung tâm Công bằng xã hội, Vương quốc Anh, gia đình là môi trường nơi thể chất, cảm xúc và tâm lý của mỗi cá nhân được ươm mầm và phát triển. Từ gia đình, chúng ta học được cách yêu vô điều kiện, nhận biết được đúng sai, lòng đồng cảm, biết tôn trọng mọi người và sự tự giác chấp hành kỷ luật. Những phẩm chất này giúp chúng ta tham gia tích cực vào các hoạt động ở trường, tại nơi làm việc và trong xã hội nói chung.
Đang xem: Kinh tế hộ gia đình là gì
Bạn đang xem: Khái niệm kinh tế hộ gia đình
Ở các nước phát triển, các mạng lưới tài chính dành cho các cá nhân phải đối mặt với những trở ngại về kinh tế thường là được cung cấp bởi các hệ thống an sinh xã hội toàn diện, lương hưu, bảo hiểm, ngân hàng, và các hiệp hội tín dụng. Còn ở các quốc gia đang phát triển, những định chế tài chính như vậy khá hạn chế và thường chỉ phục vụ những người có điều kiện tốt hơn (Theo Canning và cộng sự, undated). Do đó, ở những nước này, người ta thường dựa vào gia đình như một nguồn hỗ trợ khi gặp khó khăn về tài chính và kinh tế. Gia đình giữ vai trò là định chế tài chính cuối cùng, cung cấp viện trợ và an ủi cá nhân khi họ thất bại và ngăn ngừa những biến cố tạm thời trở thành kinh niên.
Kinh tế hộ gia đình là một tổ chức kinh doanh thuộc sở hữu của hộ gia đình, trong đó các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định. (M.T.T. Xuân và Đ.T.T. Hiền, 2003) Kinh tế gia đình là loại hình kinh tế tương đối phổ biến và được phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Sự trường tồn của hình thức sản xuất này đang tự chuyển mình để trở thành một thành phần kinh tế của xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước. Ở Việt Nam, kinh tế hộ gia đình cũng có vai trò và ý nghĩa to lớn, bởi vì nước ta bước vào nền kinh tế thị trường với gần 80% dân số đang sinh sống ở nông thôn với xuất phát điểm thấp, kinh tế hộ gia đình đang là một đơn vị sản xuất phổ biến. Đây là mô hình kinh tế có vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế vĩ mô, nhằm huy động mọi nguồn lực tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hiện nay, kinh tế hộ gia đình không phải là một thành phần kinh tế, nhưng là một loại hình để phân biệt với các hình thức tổ chức kinh tế khác. Một trong các thành viên của kinh tế hộ gia đình đồng thời là chủ hộ. Trong hoạt động kinh tế, gia đình có thể tiến hành tất cả các khâu của quá trình sản xuất và tái sản xuất. Chủ hộ điều hành toàn bộ mọi quá trình sản xuất kinh doanh và chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động của mình. ở nước ta, kinh tế hộ gia đình phát triển chủ yếu ở nông thôn, thường gọi là kinh tế hộ gia đình nông dân, ở thành thị thì gọi là các hộ tiểu thủ công nghiệp. Kinh tế hộ gia đình hiện đang phát triển và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, vận tải, xây dựng, thương mại dịch vụ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh…
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu, tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình và các đề án thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chủ động sản xuất và cung ứng giống tốt, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác. Theo đó, tập trung khai thác triệt để tiềm năng về đất đai, khí hậu, nhu cầu của thị trường, thực hiện “liên kết 4 nhà” để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Phát triển mạnh các loại cây trồng vật nuôi tạo ra vùng tập trung khối lượng nguyên liệu lớn, phát triển công nghiệp chế biến để tạo nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng mang thương hiệu Lào Cai, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Những loại cây trồng, vật nuôi đã và đang được tập trung phát triển đó là: cây dược liệu, cây ăn quả, rau sạch, hoa cao cấp mang đặc trưng vùng khí hậu ôn đới.
THỰC TRẠNG CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Đất đai
Đất đai là tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế được. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất được xem xét nghiên cứu trong chuyên đề này gồm có quy mô sản xuất và khả năng áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất.
Tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Là một tỉnh có diện tích đất nông nghiệp rộng, với 84.181ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô sản xuất trong toàn tỉnh nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ với 51% số hộ được điều tra đang canh tác, sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất dưới 1ha. Số hộ có diện tích canh tác, sản xuất nông nghiệp trên 5ha chỉ chiểm dưới 5% tổng số liệu điều tra toàn tỉnh.
So sánh giữa các huyện có thể thấy, Sapa là huyện có quy mô tích tụ ruộng đất và sản xuất nông nghiệp khá cao với tỷ lệ số hộ có trên 5ha là 11%. Trong khi đó, thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng có tỷ lệ tích tụ ruộng đất rất thấp với trên 90% số hộ có diện tích đất canh tác dưới 3ha. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương này có mật độ dân số và giá đất cao, cơ cấu ngành nghề chủ yếu tập trung vào thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh quy mô sản xuất, thực trạng về khả năng áp dụng khoa học kĩ thuật vào trong sản xuất của đa số các hộ gia đình trong tỉnh còn rất thấp. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào sức lao động thủ công, công cụ truyền thống và dựa vào kinh nghiệm của bản thân cùng kinh nghiệm từ đời trước truyền lại cho đời sau dẫn đến hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Việc áp dụng các yếu tố khoa học kĩ thuật như máy móc, công cụ hiện đại và các kiến thức học được vào trong sản xuất chỉ được coi trọng ở các vùng có điều kiện kinh tế phát triển như thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng.
Lao động
Cơ cấu về số lao động chính trong hộ khá đồng đều giữa các huyện. Trung bình toàn tình, số lao động chính trong hộ thường là 2 người (chiếm 56% số hộ được điều tra). Trong đó, huyện Bắc Hà có số thành viên tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong hộ thường cao, từ 2 đến 4 người chiếm 94% số hộ được điều tra trong huyện.
Cơ cấu lao động chính trong một hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Năng suất lao động là tỷ số giữa sản lượng đầu ra với số lượng đầu vào được sử dụng (theo định nghĩa của OECD). Năng suất lao động có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động được xem xét nghiên cứu bao gồm thời tiết, áp dụng kỹ thuật, quy trình sản xuất mới vào sản xuất và phương thức sản xuất.
Thực tế điều tra cho thấy, năng suất lao động chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (chiếm 59% kết quả điều tra). Đặc biệt ở các huyện thuần nông như Bắc Hà, Mường Khương, Simacai, Văn Bàn, điều kiện tự nhiên là yếu tố quyết định đến năng suất lao động với lần lượt 86%, 68%, 61% và 60% kết quả điều tra. Các huyện có tỷ lệ ảnh hưởng của áp dụng kỹ thuật, quy trình sản xuất mới vào sản xuất đến năng suất lao động cao bao gồm các huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bảo Yên với lần lượt 44%, 41% và 39% kết quả điều tra.
Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Vốn sản xuất
Vốn là điều kiện rất quan trọng đế tiến hành sản xuất đổi với các hộ. Đế phát triển sản xuất, nhất là sản xuất ở quy mô lớn thì đòi hỏi hộ nông dân phải có vốn. Hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình phụ thuộc chủ yếu vào hai nguồn vốn là vốn vay và vốn tích lũy.
Do đặc thù quy mô sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình hiện nay chỉ dừng lại ở mức manh mún, nhỏ lẻ nên mức vay vốn của các hộ cũng không cao. Các số liệu điều tra cho thấy các hộ gia đình trong tình có nhu cầu vay vốn cao với mức vay trong khoảng 50-200 triệu đồng. Trung bình toàn tỉnh, mức vay vốn từ dưới 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng chiếm trên 80% nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình, nhu cầu vay vốn trên 200 triệu đồng không cao chỉ chiếm 3% nhu cầu của các hộ gia đình.
Nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Bên cạnh việc huy động vốn vay cho sản xuất, vốn tích lũy là một trong những nguồn lực tài chính chủ yếu của các hộ gia đình hiện nay. Mặc dù đã có sự gia tăng đáng kể về thói quen và quy mô của các nguồn vốn tích lũy của các hộ gia đình trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, vốn tích lũy của các hộ gia đình nhìn chung vẫn ở mức thấp. Hộ gia đình có vốn tích lũy từ 20 đến 50 triệu đồng chiếm 66% tổng điều tra toàn tỉnh, trong khi đó hộ gia đình có vốn tích lũy trên 100 triệu đồng chỉ chiếm 2%.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ VỀ CHÍNH SÁCH
Kết luận
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong đó có đất đai, lao động và vốn sản xuất. Có thể thấy rằng, có một sự phân hóa về thực trạng các yếu tố kể trên đối với mỗi huyện, thị trong tỉnh. Về đất đai, đối với các huyện, thị có mật độ dân số cao, cơ cấu ngành nghề theo hướng tiểu thủ công nghiệp như thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng có mức độ tích tụ ruộng đất khá thấp so với các huyện có mật độ dân cư thưa thớt, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Tương tự, đối với việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào trong sản xuất cũng chỉ tập trung tại các huyện thị như thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng.
Về lao động, tỷ lệ lực lượng lao động trong mỗi hộ gia đình trên tổng số các thành viên có tác động tích cực đến thu nhập của hộ. Trong khi các hộ gia đình tại huyện Bắc Hà thường có nhiều lao động chính (từ 2 đến 4 người) trên một hộ thì tại các huyện thị trong tỉnh, các hộ thường có 2 lao động chính trên một hộ, Bên cạnh đó, do ít áp dụng khoa học kĩ thuật vào trong sản xuất, đa phần năng suất lao động của các hộ gia đình bị phụ thuộc vào thời tiết (chiếm 59% số hộ được điều tra). Trình độ học vấn cũng là rào cản trong nâng cao năng suất lao động của các hộ gia đình trong tỉnh hiện nay, với đại đa số các chủ hộ có trình độ học vấn hết lớp 9.
Nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình trong tỉnh khá cao, với mức vay trung bình trong khoảng 50-200 triệu đồng. Trong khi đó, khả năng tích lũy vốn cho sản xuất kinh doanh cũng ở mức thấp, trung bình trong khoảng 20-50 triệu đồng.
Chính sách đối với các huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Với những đặc thù riêng biệt nêu trên, để đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình một cách hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh Lào Cai, cần lưu ý một số điểm sau:
Một là, đối với những huyện mà cơ cấu kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng, do vậy, cần thực hiện các chính sách dồn điền, đổi thửa nhằm tăng cường quy mô sản xuất. Đồng thời, cần xây dựng chính sách cho phép và khuyến khích tích tụ ruộng đất một cách hợp pháp đối với các hộ gia đình có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Đối với những huyện có cơ cấu phi nông nghiệp chiếm ưu thế, cần nghiên cứu xây dựng chính sách trao quyền sử dụng đất đai lâu dài từ 50 năm trở lên cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, trong điều kiện đất đai canh tác ngày càng hạn chế, thu nhập lao động nông nghiệp thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu đời sống ngày càng cao, cần có chính sách dịch chuyển phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng làm tiểu thủ công nghiệp hay buôn bán, dịch vụ.
Hai là, nâng cao khả năng áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Có các chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đặc thù cho từng huyện, thị cụ thể, với mục đích phục vụ hộ nông dân. Đẩy mạnh mối quan hệ giữa nhà khoa học – hộ gia đình – doanh nghiệp trong chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Ba là, đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trình độ và năng suất lao động của các hộ gia đình. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kĩ thuật cũng như các lớp bổ túc kiến thức cho các hộ nông dân nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường đầu tư mở rộng các cơ sở đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số.
Xem thêm: Tín Hiệu Tương Tự Là Gì ? Có Gì Khác Biệt Với Tín Hiệu Digital
Bốn là, cần có các chính sách khuyến khích vay vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước như vốn đầu tư nước ngoài, vốn huy động từ các thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu) và các nguốn vốn đối ứng khác.