Trong bài này mình sẽ đi qua một loạt từ khác nhau trong Phật triết, nhưng có cùng một ý nghĩa như tâm thanh tịnh, để chúng ta không còn rối rắm khi đọc kinh sách Phật.
Đang xem: Tĩnh tâm tiếng anh là gì
Các từ dưới đây chỉ là một số từ thường xuyên gặp trong kinh sách, và mỗi nghĩa ở đây cho một chữ cũng chỉ là một nghĩa trong số nhiều nghĩa khác nhau của chữ đó, khác nhau chút ít về kỹ thuật tùy theo câu nói. Để biết mỗi từ rõ ràng, cách hay nhất là tra tự điển Phật học.
– Tâm
Tâm là từ rất chung chung, thường đứng trước vài từ khác, như tâm thanh tịnh, tâm tĩnh lặng, tâm Phật… Cho nên chúng ta nên nói qua từ “tâm” trước mọi từ khác.
Tâm là trái tim. Nhưng trong Phật triết, cũng như trong văn hóa Việt Nam, tâm là trái tim và trí óc (tâm và ý), nói chung là toàn bộ tư duy của con người – cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lý luận, nhận xét, kết luận, quyết định.
Chúng ta dùng “tâm” vì thường chú trọng vào khía cạnh tình yêu trong tư duy. Đôi khi ta dùng “ý” để chú trọng vào trí óc, lý luận.
Ngôn ngữ thuần Việt có từ tương tự như “tâm”, đó là “lòng”, như lòng mẹ (tâm mẹ), lòng yêu người (tâm yêu người), lòng tham (tâm tham)…
Trong tiếng Anh, người ta dùng “mind” (trí óc) thường hơn. Thỉnh thoảng người ta dùng “heart” (trái tim), hay heart/mind, hay mind/heart.
– Tâm thanh tịnh
Tâm thanh tịnh là the pure heart trong tiếng Anh.
• Ngay trong phần mở đầu Kinh Pháp Cú, kinh quan trọng số 1 trong Phật giáo Nguyên thủy, phẩm đầu tiên, tức phẩm Song Yếu, đoạn 2, ta thấy:
Ý dẫn đầu các pháp,Ý làm chủ, ý tạo,Nếu với ý thanh tịnh,Nói lên hay hành động,An lạc bước theo sau,Như bóng, không rời hình “
Thích Minh Châu dịch
(Chú ý: Ở đoạn kinh này, “ý” được dùng thay vì “tâm”).
• Từ “thanh tịnh” cũng có trong lời Bồ Đề Đạt Ma nói với Lương Vũ Đế về “công đức”: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.”
“Trí” chính là “trí óc”, “ý”, “mind”. Trí phải thanh tịnh hoàn toàn.
“Thể” là bản chất. “Thể” phải được trống không vắng lặng. Bản chất của ta phải trống không vắng lặng.
Ngày nay, chúng ta dùng “tâm” cho trí và thể của Bồ Đề Đạt Ma: Tâm thanh tịnh, tâm trống không vắng lặng, đó mới là công đức.
• Ngay trong phần mở đầu của Pháp Bảo Đàn Kinh, của Thiền tông Lục tổ Huệ Năng, sư nói: “Thiện tri thức, tự tánh của Bồ Đề vốn thanh tịnh, chỉ dụng tâm này trực liễu thành Phật.”
• Tác phẩm “Thanh tịnh đạo”, do luận sư Bhadantacariya Buddhaghosa trước tác vào thế kỷ V, tóm tắt giáo lý và thực hành Phật giáo Nguyên thủy, có tên Pali là Visuddhimagga. Magga là con đường. Visuddhi là thanh tịnh, purification, purity. “Thanh tịnh đạo” là “Con đường thanh tịnh”, tiếng Anh là “the Path of Purification” hay “the Path of Purity”.
– Tâm tĩnh lặng
Tâm tĩnh lặng (the tranquil heart, the still heart). Đây cũng là tâm thanh tịnh.
– Tâm rỗng lặng
Tâm rỗng lặng (the empty and tranquil heart) cũng là tâm tĩnh lặng, tâm thanh tịnh, chỉ nhấn mạnh thêm ý “rỗng”. Rỗng là không có gì, empty. Nhưng chính xác hơn, “rỗng” ở đây có nghĩa là không chấp (non-attachment), không bám (non-grasping), không dính (non-sticking) vào điều gì.
– Tâm Không
Một cách nói khác của “Tâm rỗng lặng”
– Tâm nguyên thủy
Tâm nguyên thủy (the original mind/heart) nói đến bản tánh nguyên thủy (tánh thật) của con người là thanh tịnh, trước khi bị si mê làm thành vọng tâm (tâm si mê, unlightened mind/heart).
Một cụm từ tương đương là “bản lai diện mục” (mặt mũi nguyên thủy, Phật tính, original face, Buddhahood).
– Chân tâm
Chân tâm là tâm thật (true heart), không phải vọng tâm (tâm si mê, unlightened heart).
“Vọng” là xằng bậy, như “vọng tưởng” là suy nghĩ bậy bạ. “Vọng” là “sai, không thật”, như “vọng ngữ” là nói dối. “Vọng” là tự cao tự đại như “cuồng vọng” (tự cao thành điên) . “Vọng tâm” là “tâm giả”, không thật, khác với “chân tâm” là “tâm thật”.
– Tâm bồ đề
Bồ đề (bodhi) là giác ngộ, thức tỉnh (enlightened, awakened).
– Giác ngộ
Giác ngộ (enlightened) là tỉnh thức, bodhi, awakened, bồ đề.
– Tỉnh thức
Tỉnh thức (awakened) là giác ngộ, bồ đề, enlightened, bodhi.
Bodhisattva, Người tỉnh thức, Người giác ngộ, là Bồ tát.
– Tâm Phật
Tâm Phật (Buddha’s heart) cũng là tâm Bồ tát, tâm Người tỉnh thức, tâm Người giác ngộ.
– Niết Bàn
Niết Bàn (Nirvana) nghĩa là lửa đã tắt. Đây là nói đến tâm thanh tịnh, không còn chút xung động, tham sân si nào (lửa đã tắt). Niết Bàn là tâm Phật, tâm Bồ tát, tâm giác ngộ.
– Mặt trăng / ánh trăng
Mặt trăng hay ánh trăng là biểu tượng cho giác ngộ, tỉnh thức.
Tất cả mọi từ trên đây đều có một nghĩa là “giác ngộ” (enlightened, awakened). Mọi từ đều có một nghĩa như nhau là Tâm thanh tịnh.
– Tâm thanh tịnh là tâm hoàn toàn không có gì làm vẫn đục:
• không tham sân si, không tội lỗi, không phân biệt, không chấp trước, không dính mắc;
• tâm nhận thức được tất cả mọi điều, nhưng không bị kẹt (không bị dính) vào đâu (aware of everything but not attached to anything);
• tâm đầy từ bi hỉ xả (metta, karuna, mudita, upekkha) mà không bị chấp dính vào tình yêu.
– Tâm thanh tịnh là tâm tĩnh lặng, tâm rỗng lặng, tâm Không.
– Tâm thanh tịnh là tâm nguyên thủy, là bản lai diện mục, là Phật tính của mỗi chúng ta.
– Tâm thanh tịnh là tâm thật, chân tâm, của chúng ta.
– Tâm thanh tịnh là tâm bồ đề, tâm giác ngộ, tâm Phật, tâm Bồ tát, tâm tỉnh thức.
– Tâm thanh tịnh là Niết bàn.
– Tâm thanh tịnh thường có biểu tượng là mặt trăng, ánh trăng.
Những tên “tâm” này, dù có cùng một nghĩa, nhưng khi dùng có thể hàm ý nhấn mạnh một điểm khác nhau chút ít, như các điểm nhấn sau đây.
– Trí tuệ: Tâm Bồ đề, Tâm giác ngộ, Tâm tỉnh thức, ánh trăng (đôi khi là mặt trời / ánh sáng mặt trời).
– Bản tánh: Tâm thanh tịnh, tâm tĩnh lặng, tâm rỗng lặng, tâm Không.
– Phật vị: tâm Phật, tâm Bồ tát
– Thời gian: Tâm nguyên thủy, Chân tâm (tâm thật), (rồi “tâm phàm phu” hay “vọng tâm”, vì si mê), rồi Niết Bàn (trở về tâm nguyên thủy).
Nhưng dù gì thì mọi từ bên trên đều đồng nghĩa như nhau và nói về một điều như nhau.
Hy vọng một chút thông tin này giúp các bạn bớt rối rắm khi đọc kinh sách Phật.
Xem thêm: Triệu Chứng Lâm Sàng Là Gì, Tìm Hiểu Khám Sức Khỏe Lâm Sàng Và Cận Lâm Sàng
Chúc các bạn luôn tinh tấn.
Mến,
Hoành