Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội hấp dẫn và thách thức lớn đối với doanh nghiệp địa phương
Đọc bài viết
“Chính quyền thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước nỗ lực nắm bắt được tình hình, phát huy các thế mạnh để khai thác hiệu quả lợi ích từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết tại Hội thảo “Hiệp định TPP: Tác động về thu hút đầu tư và phát triển thương mại đối với địa phương và doanh nghiệp” diễn ra ngày 30-10 do Đảng ủy khối các doanh nghiệp thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Doanh nhân trẻ và Trung tâm xúc tiến đầu tư thành phố phối hợp tổ chức, với sự tham dự của hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đang xem: Giới Thiệu Chung Về Hiệp Định Cp Tpp Là Tổ Chức Gì ? Vì Sao Tpp Quan Trọng?
Với vai trò là hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng không ngừng nâng cao năng suất lao động, giá trị sản xuất thương mại (giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 7,59%, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9,23%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 840 triệu USD tăng 8,8% và kim ngạch nhập khẩu đạt 786 triệu USD tăng 5,4% so với cùng kỳ). Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng dần qua các năm, riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, ước tính tăng 8,18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp địa phương vẫn chưa thực sự phát triển, công nghệ chưa tiên tiến, kỹ năng quản trị, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường còn kém. Do đó, kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng và chịu nhiều tác động của nhu cầu thị trường thế giới giảm, sự bất ổn của đồng EURO, USD. Cùng với TPP, các hiệp định FTA với ASEAN, ASEAN +, Hàn Quốc, Chile, Liên minh Nga-Kazakistan-Belarus, EU đang khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dần chiếm ưu thế trên thị trường (chiếm 72% xuất khẩu), trong khi các công ty địa phương đa số ở quy mô nhỏ và vừa, chưa đủ sản phẩm và dịch vụ chất lượng, giá trị cao để xâm nhập những thị trường lớn.
Ông Nguyễn Diễn – Phó Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 93% doanh nghiệp và 96% người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ TPP và bày tỏ tin tưởng hiệp định sẽ giúp mang lại lợi ích đối với kinh tế Việt Nam, có 83% doanh nghiệp và 86% người tiêu dùng nhận thức tích cực về hiệp định. Tuy nhiên, 80% số doanh nghiệp được hỏi thiếu hẳn các kiến thức về hội nhập, hoàn toàn không hề biết điều gì đang chờ đợi mình; rất ít doanh nghiệp trong nước hầu hết NNNVV tự tìm hiểu, nghiên cứu về TPP để điều chỉnh công việc kinh doanh. “Trước hết, bản thân doanh nghiệp cần phải tìm hiểu những cam kết trong TPP, nắm rõ lộ trình TPP mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ để từ đó có những ý tưởng mới, phù hợp và tận dụng được các ưu đãi mà TPP tạo ra. Nếu không làm ngay từ bây giờ thì mọi nỗ lực đàm phán của Chính phủ chỉ để làm giàu cho khối kinh tế FDI”. Ông Diễn nhận định.
Các chuyên gia Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng cho rằng trong 10 năm tới, Hiệp định thương mại tự do (TPP) sẽ làm tăng thêm 28% giá trị xuất khẩu cho Việt Nam, tăng 10,5% giá trị GDP. Đối với Đà Nẵng, cơ hội thụ hưởng từ TPP sẽ là tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của thành phố như dệt may, giày dép, thủy sản; đồng thời tăng mạnh nguồn vốn đầu tư FDI các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, xăng dầu, sắt thép… và mở ra cơ hội để thành phố phát triển mạnh các dịch vụ logistic. Tuy nhiên, để kết nối mạnh hơn với chuỗi cung ứng quốc tế, thành phố cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ lĩnh vực hành chính công, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước gia tăng thị phần xuất khẩu. Song song với đó, bản thân doanh nghiệp phải năng động, đổi mới, nỗ lực để trở thành nhà cung cấp sản phẩm đạt “chuẩn” cho thị trường Hoa Kỳ và toàn cầu, đảm bảo các chứng nhận chất lượng, an toàn, lao động, môi trường và tính bền vững.
Xem thêm: Học Bổng Fulbright Là Gì – Những Điều Bạn Chưa Biết Về Học Bổng Fulbright
Theo ông Herb Cochran – Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước, được đánh giá là có tiêu chuẩn cao nhất, cam kết sâu và toàn diện nhất trên thế giới từ trước đến nay, bao quát tất cả các khía cạnh chính như trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền. Việc đàm phán hiệp định TPP diễn ra trong thời gian dài và nhiều khó khăn đối với Việt Nam, tuy vậy, Việt Nam được xem là một trong những thành viên chủ động, tích cực đàm phán. “TPP sẽ là một cơ hội hấp dẫn nhưng cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp địa phương. Tiến trình hội nhập kinh tế thế giới thông qua hiệp định TPP không còn xa, đòi hỏi các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức phải tự chuẩn bị để đón nhận cơ hội cũng như thách thức khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại này” – ông Herb Cochran nhấn mạnh.
Doanh nghiệp quan tâm đến kế hoạch hành động thiết thực của chính quyền trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các hướng tập trung vào ngành công nghiệp chiến lược của Đà Nẵng như công nghiệp công nghệ cao, logistics.. để tối đa hóa lợi nhuận từHiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Ông Nestor Scherbey – Chủ tịch Ủy ban thuận lợi hóa thương mại và hải quan (Amcham) cho rằng, việc phát triển các chương trình đào tạo chuyên ngành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương đối phó với các thách thức được đặt ra bởi các điều luật phức tạp và mang tính nguyên tắc của Hiệp định thương mại tự do như Quy tắc xuất xứ (ROO), Giấy chứng nhận quy trình và các điều kiện liên quan là rất cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam được hưởng các ưu đãi như các đối tác thương mại khác.Ông Nestor Scherbey cũng đề nghị chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp cần xây dựng và áp dụng các chương trình đào tạo, phổ biến đến các doanh nghiệp ngay sau khi các văn bản chi tiết của TPP được công bố. Ngoài việc cải tiến cơ sở hạ tầng thương mại nhằm khuyến khích đầu tư mới, việc đổi mới và cải tiến quy trình thương mại cũng phải đặt ưu tiên hàng đầu. Cụ thể như, hệ thống Hải quan tự động đã được Tổng Cục Hải quan áp dụng với nhiều cải tiến trong các quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính, song những hạn chế của quy trình thương mại đang là rào cản lớn đối với thu hút FDI. Do đó, thành phố cần xem xét việc ứng dụng dự án thí điểm thành lập Khu thương mại tự do dưới sự giám sát Hải quan của khu vực.
“Một năm trước, công ty dịch vụ Logistics toàn cầu cho tôi biết tại Đà Nẵng, các dịch vụ máy bay thân rộng quốc tế không thường xuyên vận hành và các ga hàng hóa hàng không cũng như các dịch vụ kho bãi tại sân bay quốc tế tại đây đều chưa đạt tiêu chuẩn. Chúng ta cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng logistics như là một biện pháp để khuyến khích dòng vốn đầu tư FDI mới sau Hiệp định TPP.” – Ông Nestor Scherbey đề xuất.