Trong dòng chảy nghệ thuật của nền hội họa Việt Nam, tranh sơn mài – một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo đã và đang chuyển mình hòa cùng thế giới hiện đại.
Đang xem: Chất Liệu Tạo Nên Bức Tranh Sơn Mài Là Gì
Ngược về dòng lịch sửTranh sơn mài tuy giản đơn là sản phẩm của sự phối hợp giữa chất liệu (sơn) và động tác kỹ thuật (mài), nhưng lại là thành quả của sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống Việt Nam.Ngược theo dòng lịch sử, những vết tích về sơn mài được tìm cách đây hàng trăm năm Trước Công Nguyên. Người xưa dùng sơn chế từ nhựa cây sơn phủ lên các vật dụng hoặc đồ thờ cúng bằng gỗ, gốm như hương án dài, bát đĩa, câu đối, hoành phi, bình phong… để làm tăng thêm độ bền. Sau đó phát triển dần sang tranh trang trí, vẽ thêm một số những đường nét, hoa văn, cảnh quan thiên nhiên để tạo thêm sự độc đáo cho sản phẩm.Đến đầu những năm 30 thế kỷ trước, các họa sĩ Việt Nam tại trường Mỹ Thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) phát hiện ra các vật liệu màu từ các vật liệu hết sức gần gũi và thân thuộc trong cuộc sống đời thường như vỏ ốc, trứng, tre… và áp dụng kỹ thuật sơn mài vốn có, để tạo thành những kiệt tác tranh sơn mài vô cùng tinh tế. Và chính từ đó, khái niệm sơn mài dần phổ biến và tạo dựng nên hình hài một sơn mài Việt Nam trong nền nghệ thuật hiện đại của thế giới thế kỷ XX. Trong thời kỳ này, mỗi màu sơn được sử dụng riêng cho những họa tiết và hòa sắc chỉ vẻn vẹn mấy màu đơn giản, như núi thì màu đen, nhà cửa màu nâu, cây cối màu đỏ, trời thì thếp vàng…Thời kỳ 1945-1975, các tác phẩm sơn mài Việt Nam phong phú hơn về nội dung cũng như phong cách sáng tác. Có họa sĩ vẽ lối diễn thực kiểu phương Tây, có họa sĩ vẽ lối ước lệ, khái quát đậm chất châu Á. Lại có họa sĩ đẩy sơn mài lên một bậc biểu cảm mới với lối vẽ hòa quện, hình thể và chất biểu cảm lộng lẫy, lúc hiệu hữu, lúc nhòa mờ, lấp lánh.Kỹ thuật sơn mài của thập niên 90 có thêm nét đột phá, tạo nên một diện mạo sơn mài mới, cũng là cách các nghệ sĩ trẻ thời này khẳng định mình. Sơn mài được đắp bồi, gồ lên, phá tính chìm, bóng, sâu vốn là nét đặc trưng của sơn mài truyền thống. Khác biệt của các sáng tác thời kỳ này so với dòng tranh sơn mài giai đoạn trước còn ở chỗ, nếu như trước đây kỹ thuật chủ yếu vào lối vẽ “chôn màu” nhiều lớp và mài đứt, “móc màu lên” thì các họa sĩ thập niên 90 thiên về “vẽ thêm vào”, tức là sử dụng “bút pháp” đặc trưng của vẽ tranh sơn dầu, lấy bề mặt lúc vẽ làm hiệu quả sáng tạo cuối cùng.
Không rực rỡ như tranh sơn dầu, không mềm mại như tranh lụa song nhiều tác phẩm sơn mài trong thế kỷ XX đã trở thành kiệt tác, thậm chí là bảo vật quốc gia và được bạn bè quốc tế săn lùng, tìm mua bởi sức hút từ vẻ đẹp đằm thắm và sâu sắc của người phụ nữ Việt trong bức tranh“Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí; hay cô gái nông dân trong “Tát nước đồng chiêm” của Trần Văn Cẩn; người con gái dân tộc Thái trong “Nhớ một chiều Tây Bắc” mà lão họa sĩ Phan Kế An đã thổn thức ngày nào; những mầu xanh non tơ của đồng lúa xanh mướt một thuở được họa sĩ Nguyễn Gia Nùng khắc họa trong “Bình minh trên nông trang”; chân dung anh bộ đội cụ Hồ đang khoác trên vai khẩu súng trên con đường hành quân đã một lần giơ nắm tay thề ngày được vinh dự trong ngày lễ “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng.
Xem thêm: 6 Bước Hướng Dẫn Làm Hồ Sơ Du Học Nhật Bản, Hướng Dẫn Tự Làm Hồ Sơ Du Học Nhật Bản
Lắm nỗi nhọc nhằnMột bức tranh sơn mài hoàn mĩ được tạo ra là tất cả nỗ lực, kiên trì và cả tình yêu, đam mê nghệ thuật của người họa sĩ. Theo cách làm sơn mài truyền thống, thông thường để làm nên một bức tranh sơn mài mất đến hàng tháng, thậm chí hàng năm và phải trải qua các công đoạn chính là bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng.Bó hom vóc – công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không thấm nước, bị mối mọt và co ngót dưới tác động của môi trường. Để một sản phẩm có giá trị và đảm bảo được độ bền, quy trình thực hiện cốt vóc là yếu tố quan trọng và được thực hiện khá dày công, thường do thợ sơn lành nghề thực hiện và gồm nhiều công đoạn tỉ mỉ, phức tạp, mất khoảng 20 – 30 ngày với 8- 10 lần sơn và bó vải. Việc hom bó cốt gỗ đồ vật cần sơn ngày xưa thường được người làm sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ dó có độ dai và bền hơn vải. Cách bó hom vóc được tiến hành khá cầu kỳ. Người thợ dùng đất phù sa (ngày nay có thể dùng bột đá trộn sơn) giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy hoặc vải màn. Sau đó phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) để chống vết rạn xé dọc tấm vải. Sau khi để gỗ khô kiệt, người thợ mới tiếp tục hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có tuổi thọ khoảng 400-500 năm.Công đoạn tiếp theo là trang trí. Khi có được tấm vóc hoặc các mô hình chạm khắc bình hoa, người thợ phải gắn, dán các chất liệu tạo màu cho tác phẩm trước tiên như: Vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc… Với kỹ thuật sơn phủ tượngvà đồ nội thất như: Hương án, hoành phi, câu đối…, người thợ phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để tránh gió thổi các nguyên liệu quỳ vàng, quỳ bạc và tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt. Sơn ta khô cần có độ ẩm trong không khí cao vì vậy chỉ vẽ được vào từng mùa.Sau khi trang trí xong, người thợ thực hiện mài và đánh bóng. Vì dầu bóng đã pha màu để vẽ nên độ bóng chìm trong cốt màu tạo thành độ sâu thẳm của tranh, do đó sau mỗi lần vẽ phải mài. Người xưa dùng một số thứ để mài và đánh bóng như lá chuối, than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà… Đây chính là điểm độc đáo và là công đoạn quyết định sự thành công của một bức tranh sơn mài.Tuy các công đoạn chung là vậy, nhưng để hoàn thành một bức tranh sơn mài là một điều gian khó. Hơn thế nữa, để có được một bức tranh đẹp, ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ còn phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu, cho nên họa sĩ sơn mài vừa có“chất thợ” vừa có” chất nghệ”. Thế nhưng vượt qua nỗi nhọc nhằn đó, mỗi bức tranh sơn mài lại mang một vẻ đẹp riêng, có được từ sự khác biệt trong kinh nghiệm, kỹ thuật và “mắt nhìn đời” của người họa sĩ.Chuyển mình trong cuộc sống hiện đạiĐến nay sau gần một thế kỷ đồng hành cùng nghệ thuật sơn mài, cùng với thời gian, các họa sĩ Việt Nam vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiệu và tìm tòi mới mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng cá nhân, mang đến sự huyền bí, ánh sáng, hào quang rực rỡ của nghệ thuật sơn mài, vừa thể hiện bản sắc dân tộc vừa mang âm hưởng của nghệ thuật tạo hình đương đại.
Nhờ vậy, bảng màu sơn mài ngày nay càng phong phú hơn về phong cách thể hiện cũng như nhiều chất liệu mới được tìm ra trong quá trình lao động sáng tác nghệ thuật. Các họa sĩ cũng thoải mái hơn khi thể hiện ý tưởng, định hình dấu ấn cá nhân, thể hiện những quan niệm mới của mình về nghệ thuật và vẫn luôn mang đậm hơi thở của cuộc sống. Khi thì đưa người xem trở lại với các thời kỳ của chế độ phong kiến Việt Nam với những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hoàng cung và thiếu nữ xưa cùng với các trang phục truyền thống. Hay đó là hình ảnh những người phụ nữ Việt gợi cảm, nhẹ nhàng và vô cùng lãng mạn trên nền đen sâu thẳm của sơn mài, sự kết hợp và giao thoa giữa hiện đại và truyền thống. Hay đó là vẻ đẹp của những cảnh vật đang diễn ra hàng ngày đã tạo cho người nghệ sĩ những mạch nguồn cảm xúc không bao giờ cạn…Nhưng cho dù thể hiện theo phong cách nào hay xu hướng nào thì nghệ thuật sơn mài không những không bị phôi phai, không bị lạc lõng giữa nhu cầu cuộc sống đương đại mà ngày càng phát huy thế mạnh của chất liệu truyền thống, tiếp tục chuyển mình, tạo ra những ma lực cuốn hút người xem và tiến xa hơn cùng nền hội họa thế giới./.