I. Tư vấn tâm lý học đường – một nhu cầu có thực của học sinh trung học phổ thông
Bước sang thế kỷ thứ XX, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những bước đột phá, tạo sự chuyển biến nhanh về mọi mặt trong đời sống của người Việt Nam. Tuy nhiên, những biến động của nền kinh tế thị trường mở cửa cũng gây ra không ít tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, mà lực lượng đông nhất chính là học sinh trung học phổ thông.
Đang xem: Tư vấn học đường là gì
Giờ sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh tạiTrường tư thụcNgô Thời Nhiệm.
Ở độ tuổi 15-18, các em chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, có khả năng nhận thức nhưng những nhận thức của các em chưa thật sự chín chắn và có thể sẽ sai lệch nếu không được định hướng. Đa số các em còn lệ thuộc vào cha mẹ về cả kinh tế lẫn tinh thần. Tuy nhiệm vụ chính là học tập, nhưng các em thường phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ nhiều phía: gia đình, nhà trường, xã hội. Ở nhà, đó là những yêu cầu, kỳ vọng của cha mẹ, ông bà, là bầu không khí trong gia đình, là mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ,… Ở trường, là áp lực về học tập, quan hệ với thầy cô, bạn bè,..
Ngoài xã hội, các em phải đối mặt với những cám dỗ của các trò chơi, các trang thông tin mạng,… Và riêng bản thân các em cũng phải lúng túng với những vấn đề mới nảy sinh: những thay đổi về tâm sinh lý, tình yêu tuổi học trò, việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai,… Cá biệt, có những em vấp phải vấn đề nghiêm trọng hơn: lệch lạc về giới tính, bạo hành gia đình, tệ nạn xã hội,… Đối diện với những vấn đề phức tạp đó, rất nhiều em sẽ không biết nhìn nhận, giải quyết vấn đề như thế nào cho hợp lý.
Trong những trường hợp như thế, học sinh rất cần đến sự chia sẻ, sự thông hiểu từ người thân: gia đình, bạn bè,… Thế nhưng trong cuộc sống, người lớn chúng ta thường đòi hỏi các em phải có ý thức trách nhiệm, có thái độ hợp lý, có tính độc lập, nhưng mặt khác lại cũng đòi hỏi các em phải chịu sự sắp đặt của của người lớn. Vì vậy, thay vì cho con những lời khuyên, các bậc cha mẹ lại thường rót vào tai con cái những câu đại loại như: Con phải …, Con người ta … còn con thì …, Hồi đó ba (mẹ) …, … Không muốn bị áp đặt, không muốn bị so sánh, và không muốn nghe ba mẹ kể “chuyện đời xưa”, con cái thường che giấu cha mẹ những điều mà các em đang trăn trở, những vướng mắc của bản thân, …
Lâu dần, vì lý do này hay lý do khác, các em đâm ra đề phòng cha mẹ, thầy cô, thủ thế với bạn bè. Trong khi đó, trên báo chí, trên các trang mạng xã hội, lại đầy những thông tin bất lợi đối với các em – những “người lớn – trẻ con” chưa đủ sức sàng lọc để lựa chọn, giữ lại những điều tốt và loại bỏ cái xấu. Theo chuyên gia tư vấn thuộc Trung tâm Tư vấn học đường tại TP.HCM – Chuyên viên Nguyễn Hồng Sơn – thì: “Đối với trẻ vị thành niên, có thể bị mất thăng bằng bởi chính những điều tưởng như vặt vãnh ấy nếu không được những người xung quanh quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ kịp thời”. Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết: 90% trẻ vị thành niên tự tử vì cảm thấy không được gia đình thấu hiểu.
Có thể nói, lứa tuổi 15 – 18 là một trong những giai đoạn khủng hoảng và khó khăn trong cuộc đời của mỗi người. Sự trợ giúp kịp thời và đúng đắn từ phía người lớn là một nhu cầu bức thiết đối với trẻ, đặc biệt là khi các em đã rơi vào sự khủng hoảng tâm lý. Học sinh cần được giãi bày, cần được tâm sự, cần được những lời khuyên đúng đắn từ người lớn, mà gần gũi với các em nhất chính là cha mẹ, thầy cô. Và khi không thể có được điều đó từ gia đình, nhiều em đã xem thầy cô như một chỗ dựa tinh thần. Cho các em những lời khuyên, định hướng đúng đắn cho các em con đường phải đi, giúp các em tìm lại niềm tin, niềm vui trong cuộc sống,… Đó là những điều mà người thầy cần phải thực hiện được để đáp ứng nhu cầu được tư vấn tâm lý, một nhu cầu có thực và vô cùng bức thiết của học sinh trong nhà trường phổ thông.
II. Người giáo viên chủ nhiệm với công tác tư vấn tâm lý cho học sinh
Giáo dục học sinh không phải chỉ là dạy cho các em về kiến thức, mà còn phải giúp các em hình thành nhân cách; không chỉ là dạy chữ mà còn phải dạy người. Vì lẽ đó mà sự nghiệp giáo dục dược mệnh danh là “trồng người”. Việc trồng người này đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của các lực lượng xã hội, mà quan trọng nhất là sự phối hợp ăn ý, chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Thế nhưng các bậc cha mẹ đôi khi cũng bế tắc trong việc giáo dục con ở tuổi thanh thiếu niên. Một số bậc cha mẹ, khi con cái có vấn đề, đã trả lời giáo viên chủ nhiệm: “Tôi lo làm kiếm tiền lo cho nó đi học, không có thời gian, có gì thì cô dạy dùm, tôi cám ơn”. Có người rất thật lòng: “Ở nhà tôi rầy cỡ nào nó cũng không nghe. Tôi nói mười câu không bằng thầy nói một câu.” Cũng có người thể hiện thái độ bất hợp tác: khóa điện thoại khi thầy cô chủ nhiệm gọi đến, và khi đã liên lạc được thì “Cô mà còn gọi nữa là tui cho nó nghỉ học!”.
Với một số học sinh, gia đình không phải là chốn bình yên, không phải là nơi mà em muốn quay về sau mỗi ngày đi học, bởi ở nhà, “ba con chỉ biết dùng từ thô tục chửi con, đánh con. Con sợ đòn roi, nhưng con không sợ ba con, không nể ba con,… Cô cho con một câu trả lời, cô cho con một lời nào giúp con đi cô!” – Một em học sinh đã gửi đi lời cầu cứu đến cô chủ nhiệm của mình như thế! Có em, vì cha mẹ không có con trai, nên ngay từ nhỏ, đã cho con gái ăn mặc quần áo của con trai, đối xử như với con trai. Đến trường, em hung hăng, nghênh ngang thể hiện bản lĩnh “đàn anh” của mình. Lúc này, cha mẹ mới khẩn khoản: thầy cô làm ơn giúp dùm gia đình. Cũng có em tâm sự: Cô ơi, con không thích học sư phạm, nhưng mẹ con nói là sư phạm dễ kiếm việc làm, dễ lấy chồng nên bắt con thi. Bây giờ con đăng ký thi ngành điện tử, ba mẹ con không nhìn tới mặt con, con phải làm sao hả cô?
Và còn biết bao tình huống mà người giáo viên chủ nhiệm phải đối diện khi quản lý một lớp học: các em có mâu thuẫn với giáo viên bộ môn và yêu cầu được đổi giáo viên, bị thầy cô ép đi học thêm, thầy cô đối xử bất công hay hiều lầm, bị thất tình, mâu thuẫn với bạn bè dẫn đến xô xát, muốn nghỉ học vì chán nản chuyện gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn,… Ở tuổi mới lớn, vì luôn muốn được quan tâm, đôi khi các em thổi phồng vấn đề của mình lên quá mức, khiến cho việc nhỏ trở nên trầm trọng. Nếu không được kịp thời giúp đỡ, khi cảm thấy không ai quan tâm đến mình, các em sẽ tự giải quyết vấn đề và thông thường đó là những cách xử lý tiêu cực, đôi khi gây ra hậu quả vô cùng trầm trọng.
Thiết nghĩ, trước những tình huống nảy sinh trong quá trình quản lý lớp học, với tư cách là giáo viên chủ nhiệm (GVCN), người thầy cần phải có đủ thời gian, đủ kiên nhẫn, đủ bản lĩnh và quan trọng nhất là phải có đủ tình thương để có thể lắng nghe, thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và định hướng cho các em cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, ta không nên chờ đến khi thật sự có vấn đề rồi mới đi tìm cách giải quyết, mà phải phát hiện được vấn đề khi nó còn tiềm ẩn, ngăn chặn những tình huống xấu phát sinh.
Sau khi nắm chắc được tình hình học sinh, GVCN tiến hành bước thứ hai: quan sát. Quan sát để phát hiện những thay đổi trong hành vi, những hiện tượng bất thường trong đời sống học đường, quan sát những biểu hiện của học sinh có nguy cơ rối nhiễu tâm lý. Đó có thể là những biểu hiện nhỏ: đi trễ, không mang giày, cáu gắt với bạn, lo ra, … hay lớn hơn: nghỉ học không xin phép, cúp tiết. Và nghiêm trọng hơn, như vi phạm kiểm tra, vô lễ với giáo viên,… Với những học sinh cá biệt, việc nghỉ học, cúp tiết là chuyện thường ngày, nhưng với những học sinh vốn ngoan ngoãn, chăm chỉ thì một biểu hiện nhỏ nhất cũng là điều cần lưu ý. Một học sinh học khá, chưa một lần đi trễ hay nghỉ học lại đi học trễ. Khi được hỏi trước lớp về lý do đi trễ, đã rơi nước mắt và im lặng. GVCN gọi riêng hỏi han, em tâm sự: thời gian gần đây cha mẹ hay cãi vã nhau. Tối hôm đó, cha về nhà khi đã say rượu, đánh mẹ con em và đuổi ra khỏi nhà, rồi lấy dao đâm nát bánh xe của chiếc xe đạp em vẫn đi học. Sáng ra, em phải đi bộ hơn ba cây số để đến trường, vì ở quê sáng sớm chưa có nơi sửa xe nào mở cửa. Với trường hợp này, nếu GVCN cứ cứng nhắc áp dụng kỷ luật mà không cần hỏi han, có thể sẽ gây một chấn động tâm lý cho học sinh.
Xem thêm: Học Bổng Fulbright Là Gì – Những Điều Bạn Chưa Biết Về Học Bổng Fulbright
Ngoài ra, nhằm xây dựng môi trường tâm lý thuận lợi cho học sinh, GVCN cần tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi, hoạt động giáo dục trong phạm vi lớp chủ nhiệm. Đó có thể là một chuyến dã ngoại nho nhỏ, một hoạt động ngoài giờ lên lớp do chính các em thiết kế và thực hiện chương trình. Những hoạt động ngoài nhà trường thông thường sẽ giúp cho thầy và trò gần gũi, gắn bó với nhau, dễ cảm thông cho nhau. Việc để học sinh tự thực hiện hoạt động ngoài giờ lên lớp vừa phát huy được năng lực sáng tạo của các em, vừa tạo điều kiện cho các em thể hiện các kỹ năng sống cần có: kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng hợp tác, kỹ năng thể hiện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, … Trong quá trình làm việc, các em sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết, sẽ có được những kỷ niệm khó quên cho thời áo trắng của mình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào GVCN cũng có thể ngăn chặn được những trở ngại về tâm lý của học sinh. Việc trực tiếp tư vấn tâm lý cho các em là một trong những hoạt động mà có lẽ tất cả GVCN đều trải qua. Tùy vào từng đối tượng học sinh, tùy vào mức độ của vấn đề, tùy vào nội dung vấn đề mà có cách giải quyết khác nhau, nhưng nhìn chung, GVCN thường tiếp xúc với 2 đối tượng: học sinh cần tư vấn và các đối tượng có liên quan.
Với học sinh cần tư vấn, GVCN cần thật nhẹ nhàng, kiên nhẫn, tỏ ra biết lắng nghe và biết thấu hiểu. Khi thầy cô lắng nghe và thể hiện sự thấu hiểu, các em sẽ dễ dàng bày tỏ những điều đang chất chứa trong lòng. Tuy nhiên, việc cần làm của GVCN trong công tác tư vấn không phải là chỉ ra cho các em vấn đề nằm ở đâu và giải quyết vấn đề thay cho các em, mà là tạo điều kiện để học sinh tự nói ra vấn đề, tự nhìn nhận, đánh giá vấn đề, tự giải quyết vấn đề, nếu như vấn đề nằm trong khả năng của các em. Với việc lựa chọn nghề nghiệp của các em trong tương lai, GVCN không nên cho học sinh biết là em thích hợp với nghề gì, nên chọn ngành học nào. Ở đây, bản thân các em phải tự ý thức được mình là ai, mình đang ở đâu, và quan trọng hơn, các em phải hiểu rằng tuy cần có sự trợ giúp, góp ý của người lớn, nhưng tương lai là do mình tự quyết định lấy. Nói cách khác, GVCN với tư cách là người tư vấn, phải khơi dậy được ở học sinh niềm tin vào bản thân, gạt bỏ những rào cản tâm lý để các em có thể đối mặt với những vấn đề của mình. Tuy nhiên, khi vấn đề không chỉ thuộc về cá nhân học sinh, thì GVCN lại phải trợ giúp cho các em bằng nhiều cách, trong đó có việc tiếp xúc với các đối tượng có liên quan.
Các đối tượng này có thể bao gồm cha mẹ học sinh, thầy cô bộ môn, bạn bè, Ban Giám hiệu trường,… Tư vấn cho học sinh không dễ, tiếp xúc với cha mẹ, thầy cô bộ môn của các em lại càng khó hơn. Xử lý không khéo, sẽ dễ dẫn đến việc bị hiểu lầm. Vì thế, GVCN cần khéo léo, bình tĩnh và ôn hòa giúp cho các bậc cha mẹ hiểu được rằng, mục đích của cuộc gặp gỡ là vì con cái của họ, vì để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Với giáo viên bộ môn, cũng cần phải rất tế nhị, vì những trao đổi có liên quan đến học sinh cũng có thể chạm đến lòng tự trọng của đồng nghiệp, dễ gây sự hiểu lầm không nên có. Lúc đó, không giúp được gì cho học sinh của mình mà ngược lại, còn khiến mối quan hệ thầy trò của các em thêm căng thẳng. Ngoài ra, trong quá trình tư vấn, GVCN cần phải tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía: giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên, Ban Giám hiệu trường,… nếu thấy cần thiết.
Xin được chia sẻ một trường hợp mà tôi đã từng tư vấn. Đó là trường hợp một học sinh xin nghỉ học. Trên thực tế, em đã nghỉ học một tuần lễ, GVCN cho biết đã gọi điện trao đổi với cha mẹ của em và bản thân em, nhưng em vẫn kiên quyết, viết “tâm thư” gửi cho thầy chủ nhiệm, xin lỗi và tự ý nghỉ. Sau một tuần, mẹ em đến trường xin rút hồ sơ. Gặp người phụ nữ trẻ, áo quần lam lũ, bụng chửa vượt mặt ngồi trước mặt mình, với giọng tâm tình, tôi khơi gợi và hiểu được hoàn cảnh gia đình của chị: hai vợ chồng làm nghề nông, thu nhập không ổn định, gia đình đã có 3 con, nay chị sắp sinh đứa thứ tư, gia đình khó khăn, thiếu thốn, vì vậy mà cô con gái lớn quyết định nghỉ học để kiếm tiền giúp cha mẹ nuôi em. Chị có khuyên cháu, nhưng cháu vẫn kiên quyết xin nghỉ. Nhưng tôi vẫn có một cảm giác bất an trước lý do chị đưa ra. Vì vậy, tôi hỏi gặng: Ngoài lý do gia đình khó khăn, còn có lý do gì nữa không? Hay là chị sắp sinh, muốn con gái nghỉ học để có người đỡ đần? Như bị chạm vào nỗi đau, người mẹ rơi nước mắt: Dù nhà nghèo cỡ nào, em cũng ráng cho con đi học, nhưng mà ở trường, nó cũng có chuyện buồn với bạn bè, thầy cô, nên sẵn đó, nó xin nghỉ học, cản hoài không được… Và cứ thế, dần dần, tôi tìm ra được lý do thật sự khiến em học sinh này phải bỏ lớp, dù đang là lớp trưởng, dù rất tha thiết mong muốn được đến trường. Hiện em đã quay trở lại trường, nhà trường đã giải quyết ngay cho em suất học bổng 1 triệu đồng, cho em học thêm trong nhà trường mà không phải đóng học phí.
Với trường hợp này, tiếc rằng GVCN đã không tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của em ngay từ đầu năm học, không liên hệ chặt chẽ với giáo viên bộ môn, chưa tranh thủ được sự hỗ trợ từ Ban Giám hiệu. Cũng tiếc rằng em học sinh này chưa tìm đến được với GVCN lớp để nhờ sự trợ giúp, chưa mở lòng với mọi người xung quanh do mặc cảm về cái nghèo của mình. Vì vậy, con đường học vấn suýt nữa đã đóng lại trước mặt em. Và có lẽ, sự việc này có thể sẽ gây một cú sốc tâm lý rất lớn cho bản thân em và sự nuối tiếc đối với chúng tôi.
Tóm lại, trong nhà trường tư thục, đặc biệt là nhà trường trung học phổ thông, việc tư vấn tâm lý cho học sinh là một hoạt động không thể thiếu của GVCN. Việc làm này đòi hỏi người thầy phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức và tâm huyết. Nhưng trong quá trình thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh, GVCN cũng gặp không ít khó khăn khách quan và chủ quan: những giáo viên trẻ chưa đủ kinh nghiệm và vốn sống, thầy cô lớn tuổi lại khó tìm được tiếng nói chung với những đứa trẻ chưa bằng tuổi con mình, có người quá bận rộn nên không đủ thời gian giải quyết vấn đề cho đến nơi đến chốn, có người không đủ năng lực để giải quyết vấn đề mà học sinh đặt ra,… Khó khăn là có thật, nhưng nhu cầu được tư vấn tâm lý của học sinh cũng là có thật. Do đó, còn theo đuổi nghề giáo, còn ở vị trí của một GVCN thì còn còn cần phải không ngừng học hỏi, chia sẻ với đồng nghiệp những kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn tâm lý. Tôi xin mạn phép đưa ra một vài kinh nghiệm từ quá trình thực hiện công tác tư vấn cho học sinh với tư cách là GVCN:
Trước hết, cần chú ý xây dựng mối quan hệ tốt giữa giáo viên với học sinh trên sơ sở thương yêu, tôn trọng và chân thành với nhau. GVCN phải thực sự tin tưởng vào các em, tạo điều kiện để các em phát huy năng lực, sở trường, tạo điều kiện để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các em. GVCN cũng cần tạo cho các em có cảm giác an toàn trong lớp học bằng cách xây dựng một bầu không khí “gia đình”, để các em thật sự cảm thấy trường, lớp chính là nhà, bạn bè, thầy cô là những người thân yêu, khi vui có thể cùng nhau cười, khi buồn có thể dựa vào mà khóc. Cần tìm hiểu để nắm bắt được năng lực, sở trường của học sinh. Việc làm này tưởng như không liên quan đến hoạt động tư vấn tâm lý, nhưng thật ra lại hỗ trợ đắc lực cho việc củng cố, kích thích ở học sinh lòng tự tin, giúp các em đủ niềm tin để đưa ra những quyết định đúng đắn. Nếu thấy các em cần giúp đỡ, hãy giúp đỡ thật khéo léo, tế nhị; hãy chủ động gần gũi trò chuyện với các học sinh có vấn đề nếu xét thấy các em chưa đủ mạnh dạn tìm đến với mình. Khi học sinh thật sự cần được tư vấn, có một nguyên tắc vàng mà GVCN phải thuộc lòng: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Điều này không mới, nhưng nhiều GVCN đã lắng nghe để đi đến kết quả ngược lại: “Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu”.
Một con én không thể làm nổi mùa xuân, muốn cho hoạt động tư vấn tâm lý đạt hiệu quả cao, người GVCN cần biết phối hợp các lực lượng giáo dục, tranh thủ sự giúp sức từ nhiều phía để tạo nên nguồn lực hỗ trợ cho học sinh mọi nơi, mọi lúc. GVCN có thể tham khảo ý kiến với những người có kinh nghiệm về vấn đề mà học sinh gặp phải, nhưng tuyệt đối không được biến học sinh của mình thành trò cười hoặc tâm điểm chú ý của mọi người. Điều đó có nghĩa là, phải tuân thủ nguyên tắc bảo mật thông tin cho học sinh. Vi phạm nguyên tắc này, về lâu dài, GVCN sẽ tự đánh mất lòng tin mà học sinh dành cho mình.
Xem thêm: “Sản Phẩm Không Phù Hợp Tiếng Anh Là Gì ? Sự Không Phù Hợp Là Gì
Nhìn chung thanh niên mới lớn là thời kỳ đặc biệt quan trọng đối với cuộc đời con người. Đây là thời kì lứa tuổi phát triển một cách hài hòa, cân đối, là thời kì có sự biến đổi lớn trong toàn bộ nhân cách để các em sẵn sàng bước vào cuộc sống tự lập. Những thay đổi trong vị thế xã hội, sự thách thức khách quan của cuộc sống sẽ làm nảy sinh ở lứa tuổi học sinh THPT những khó khăn về tâm lý, tình cảm của lứa tuổi, vướng mắc trong học tập, hướng nghiệp,… cần được người lớn quan tâm, chia sẻ. Thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, người GVCN đã đóng góp một phần công sức không nhỏ vào sự nghiệp trồng người./.