Vị thế giai cấp công nhân Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra về nhận thức trong bối cảnh mới
(Mặt trận) –Trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân (GCCN) được coi là lực lượng tiên phong, đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Đang xem: Khái Niệm Giai Cấp Công Nhân
Nghị quyết 20–NQ/TWcủa BCH TƯ Đảng (khóa X)xác định GCCNlà giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà công nhân lao động, tháng 6/2020. |
Trên thực tế, sau 35 năm đổi mới, với vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, GCCN Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế. Cụ thể: tổng số lao động trong các doanh nghiệp đạt khoảng 16,5 triệu người, chiếm 30% trong số 54,67 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Trong đó, cơ cấu lao động tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, với 62% thuộc doanh nghiệp tư nhân trong nước, 30% trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chỉ 8% thuộc doanh nghiệp nhà nước. Về trình độ chuyên môn, lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82 %; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp chiếm 3,08% (số liệu Tổng cục Thống kê, quý II/ 2019).
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn xoay quanh GCCN Việt Nam đang đặt ra. Một số sai lệch, bất cập về nhận thức và đánh giá có thể kể đến như:
Thứ nhất, nhìn nhận GCCN là những nhóm công nhân riêng lẻ, bộ phận nhỏ của lực lượng sản xuất, chủ yếu là những lao động giản đơn, từ nông thôn ra, xuất thân từ nông dân. Điều này trái ngược với chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm lý luận của Đảng ta về điều kiện gắn chặt chẽ giữa GCCN với các loại hình sản xuất công nghiệp, hoặc có tính chất công nghiệp. Khái niệm GCCN sẽ trở nên sai lệch, không đúng bản chất, nếu tách rời sản xuất công nghiệp, tổ chức sản xuất kiểu công nghiệp và quá trình đô thị hóa, xã hội hóa vốn đòi hỏi trình độ, tay nghề, sự nhạy bén và tính liên kết cao.
Thứ hai, nhìn nhận GCCN chỉ là những nhóm lao động phổ thông, lao động giản đơn, chân tay đơn thuần, mà không thấy được sự biến đổi, phân tầng về nghề nghiệp và trình độ. Lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen đã coi những người làm công tác quản lý, nhân viên văn phòng, nhân viên thương nghiệp đều là “công nhân thương nghiệp” hay “giai cấp vô sản lao động trí óc”. Họ có thể là những bác sĩ, kỹ sư, nhà hóa học, nông học và các chuyên gia khác. Vấn đề đặt ra là GCCN không phải chỉ cần nắm quyền lực chính trị, mà còn cần quản lý toàn bộ nền sản xuất xã hội. Do vậy, GCCN hiện đại cần có trình độ cao, kỹ năng giỏi và những kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, thực tế là tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân rất thấp; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân chưa rõ nét. Trong khi đó, cơ cấu thành phần của công nhân, lao động đang ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Nhiều người vừa làm cho nhà nước, vừa làm cho tư nhân hoặc mang danh công nhân nhưng lại sống bằng nghề phụ, kinh tế hộ cá thể. Công nhân trong doanh nghiệp nhà nước từ chỗ là đại diện cho toàn bộ GCCN trước đây, nay chỉ giữ một số lượng và tỷ lệ thấp (gần 1,4 triệu người, chiếm gần 10%) so với công nhân khu vực ngoài Nhà nước (gần 7,8 triệu người), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gần 3,8 triệu người) (Số liệu 2018).
Xem thêm: Declaration Of Conformity Là Gì, Những Câu Hỏi Thường Gặp Về Ce Marking
Thứ ba, đánh giá sứ mệnh của GCCN chủ yếu trong lịch sử, không thấy được sự hiện diện và vai trò toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa trong bối cảnh mới. Một số quan điểm cho rằng GCCN không còn nữa. Cụ thể, do điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, công nhân đã có cổ phần, có thu nhập từ lợi nhuận, đời sống cao, nên họ đã được “trung lưu hóa”, “chuyển hóa” vào các giai tầng khác. Sự phát triển của khoa học công nghệ, công nhân bị người máy và các dây chuyền công nghệ tự động hóa thay thế, nên trở thành một bộ phận không đáng kể trong xã hội. Vì vậy, sứ mệnh lịch sử trong thời đại ngày nay không còn thuộc về GCCN mà thuộc về trí thức, doanh nhân. Ở nước ta hiện nay, trong hệ thống cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập; hay kể cả các tập đoàn, tổng công ty cổ phần do nhà nước nắm quyền chi phối, hầu hết lãnh đạo và quản lý là trí thức. Nhưng về bản chất, đó là những trí thức của GCCN, tưởng thành từ hệ thống của GCCN, phục vụ lý tưởng, đường lối chính trị của GCCN. Và quan trọng nhất, họ được tổ chức bởi đội tiền phong của GCCN là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ tư, tách rời GCCN với Đảng, nên không thấy được vai trò lãnh đạo cách mạng của GCCN Việt Nam. Nghị quyết 20–NQ/TWcủa BCH TƯ Đảng khóa X “về tiếp tục xây dựngGCCNViệt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” xác định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của GCCN, nhân dân lao động và của dân tộc. GCCN lãnh đạo cách mạng thông qua vai trò của Đảng. Đảng lãnh đạo cách mạng, trên cơ sở lý luận của GCCN là chủ nghĩa Mác-Lênin, hướng tới thực hiện sứ mệnh lịch sử của GCCN là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, công nhân là tầng lớp “thấp cổ bé họng”, nghèo về kinh tế, thấp về địa vị, yếu về tiếng nói. Do đó, nhiều người cho rằng GCCN không có khả năng trở thành hạt nhân của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc… Xét trên bình diện chung, sự phát triển của GCCN nước ta đang có sự đan xen, chuyển dịch giữa các giai tầng. Nhiều người vừa là chủ có tài sản, nắm tư liệu sản xuất, vừa vẫn đi làm thuê, làm công hưởng lương. Với nhóm cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, khi đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì về nguyên tắc mang bản chất GCCN, phục vụ lợi ích của GCCN, nhân dân lao động và của dân tộc.
Thứ năm, đề cập đến GCCN chỉ nhìn vào số lượng hiện tại, mà không thấy chất lượng và tương lai. Điều này trái ngược với nhận mạnh của V.I.Lênin: “Chất lượng của giai cấp vô sản trong phong trào lịch sử thì vô cùng lớn hơn số lượng của giai cấp ấy trong toàn bộ dân cư”. Trên thực tế, với tỷ trọng chiếm khoảng 30% lực lượng lao động của cả nước, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, đang có nhiều lợi thế lớn để phát triển cả về lượng và chất. Đặc biệt, những đòi hỏi về năng suất lao động, lợi thế cạnh tranh đặt ra khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào thị trường lao động quốc tế, thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng cho thấy lực lượng lao động công nghiệp Việt Nam đã thực sự được ghi nhận và được coi là thị trường lao động giàu tiềm năng để phát triển các lĩnh vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao. Cụ thể là làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam (đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19) của các hãng công nghệ lớn của thế giới, có mức độ thâm dụng lao động cao như Samsung, Apple, Panasonic…
Thứ sáu, nhấn mạnh xây dựng, phát triển GCCN, nhưng thực tế không hiểu GCCN, không nắm được bản chất, sứ mệnh của GCCN, nên chưa thiết thực tăng cường sức mạnh cho GCCN. Về mục tiêu, chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định rằng dù ở chế độ xã hội nào, với địa vị của mình GCCN có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, xây dựng thành công chế độ XHCN, chủ nghĩa cộng sản. Trong khi đó, nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể về xây dựng GCCN còn nhiều hạn chế. Công tác chỉ đạo và phối hợp của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ; nội dung, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết có nơi còn chung chung, thiếu các giải pháp cụ thể. Những vấn đề bức xúc, cấp bách của GCCN như việc làm, nhà ở, nơi sinh hoạt văn hoá, nhà trẻ… tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chậm được giải quyết. Những tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật cho người lao động như: tiền lương và thu nhập, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế v.v.. chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chế độ, chính sách đối với người lao động chưa được quan tâm. Thu nhập của công nhân chưa tương xứng với cường độ lao động và thời gian làm việc.
Thứ bảy, khi nói đến doanh nghiệp, chủ yếu nhìn nhận vai trò “ăn theo” của công nhân với tư cách là người làm thuê, người đi xin việc, trong khi đó chú trọng nhấn mạnh, đề cao tầng lớp doanh nhân, người sử dụng lao động. Xu hướng coi trọng thu hút đầu tư, tạo nhiều chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp, mở rộng môi trường kinh doanh, khởi nghiệp chủ yếu mang lại lợi ích lớn cho người sử dụng lao động, chưa thực sự tạo ra cân bằng cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đây là một sai lệch rất cần được khắc phục. Điều này đã được cảnh báo ngay trong lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin khi chỉ rõ cổ phần hóa trong nền sản xuất TBCN được thực hiện như là một biện pháp điều chỉnh quan hệ sản xuất, điều chỉnh cách thức bóc lột, bằng việc nhượng lại cho người lao động một ít cổ phần. Điều này vừa để giải tỏa xung đột quan hệ giữa chủ với thợ, đồng thời đây cũng là một hình thức huy động vốn của CNTB.
Thứ tám, bản thân công nhân hiện đại ít quan tâm đến việc hình thành nhận thức chính trị, không nhận thức được tính giai cấp, ý thức giai cấp; về đặc điểm, vị trí, vai trò của GCCN trong lịch sử, cũng như trong thực tiễn hiện tại. Nhiều người lao động, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh, do cuộc sống mưu sinh vất vả, khó khăn, nên chỉ quan tâm đến vấn đề lợi ích kinh tế cụ thể trước mắt; hoàn toàn không quan tâm đến ý thức giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của GCCN… Do đó, chất lượng đội ngũ công nhân đang có những dấu hiệu hụt hẫng, khó đảm bảo tính tiên phong cách mạng, lực lượng xã hội tiến bộ. Bên cạnh đó, xu hướng phân hoá giữa công nhân phổ thông với công nhân trí thức, giữa lao động chân tay với lao động kỹ thuật cao… là rõ rệt.
Về chủ quan, năng lực cạnh tranh của lao động nước ta còn yếu; tâm lực, thể lực, trí lực của công nhân đáp ứng chưa cao yêu cầu của nền sản xuất hiện đại; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp (35% lực lượng lao động vẫn là lao động giản đơn); thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; khả năng tìm kiếm và tự dịch chuyển việc làm của công nhân còn thấp; tình trạng thiếu việc làm gia tăng, tiền lương, thu nhập thấp; tình trạng đình công, ngừng việc tập thể của công nhân, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước ngày càng phức tạp.
*
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: “Sự lớn mạnh của GCCN là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam tháng 9/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: cần tiếp tục kiên định quan điểm GCCN là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH; lực lượng nòng cốt trong liên minh GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của GCCN là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới. Vì vậy, việc xây dựng GCCN nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức Công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Xem thêm: Hết Pin Tiếng Anh Là Gì ? Điện Thoại Tôi Hết Pin In English With Examples
Xây dựng GCCN Việt Nam lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp. Những giải pháp căn cơ nhất cần tập trung trả lời câu hỏi đã được đặt ra: Thế nào là lực lượng sản xuất hàng đầu? Thế nào là giai cấp tiên phong trong thời kỳ CNH, HĐH? Làm gì để GCCN – lực lượng sản xuất hàng đầu thực sự phát triển, thực sự tiên phong? Điều này đặt ra vấn đề cần sớm tiến hành nghiên cứu, bổ sung và phát triển lý luận toàn diện về GCCN Việt Nam trong bối cảnh mới./.