“Sáng nay tôi tỉnh dậy, mọi thứ xung quanh đều ảm đạm. Tôi nghĩ thời điểm của mình sắp đến. Tôi nhìn ra cửa sổ, nén lại tiếng ho cộc cằn từ cổ họng. Tôi nhìn thấy một chiếc lá ngoài kia, bay vật vờ trong gió, tưởng như cũng sắp lìa cành như cái cách tôi sắp lìa khỏi cõi đời này. Tôi nghĩ rằng, khi chiếc lá kia rụng xuống cũng là lúc tôi ra đi.”
Bạn còn nhớ câu chuyện này không? Câu chuyện về Sue, cô gái mắc bệnh lao phổi vốn đã mất hết niềm tin vào sự sống và chỉ chờ chiếc lá tầm xuân cuối cùng ngoài cửa sổ rơi xuống cũng là lúc cô cũng tự nguyện trút hơi thở cuối cùng. Nhưng chiếc lá đó không hề rơi. Và nhờ một niềm tin mãnh liệt không dựa trên một cơ sở nào, Sue ngày một khỏe hơn và bình phục sau cơn bạo bệnh. Một câu chuyện nhân văn về tình người và niềm tin của O Henry đã nằm lòng biết bao thế hệ. Thế nhưng ở một góc nhìn khác, Sue đã vô tình tự kỷ ám thị chính mình để vượt qua cùng kỳ cực khổ của cuộc đời. Nếu như Sue mãi mãi tự ám thị rằng mình chắc chắn sẽ chết thì cô đã không bao giờ thoát khỏi lưỡi liềm Thần Chết một cách kỳ diệu đến thế. Trong cuộc sống dung dị của mỗi con người bình thường, người ta vẫn dùng tự kỷ ám thị để biến những điều không thể thành có thể, biến những lời tự dối thành động lực sống mãnh liệt.
Đang xem: Tự kỷ ám thị là gì
Tự kỷ ám thị là gì?
Tự kỷ ám thị là một thuật ngữ đề cập đến tất cả những hình thức tự kích thích và khuyến khích bản thân qua năm giác quan của con người. Quá trình này còn được gọi là tự thôi miên hay tự tâm niệm. Đừng nhầm lẫn tự thôi miên ở đây là đặt con lắc đồng hồ trước mặt và quay trở về quá khứ nhé! Cũng đừng tiếp cận khái niệm này như một căn bệnh tự kỷ, bởi thực chất tự kỷ ám thị chỉ là cách ghép từ của người Việt Nam, giữa “tự kỷ” và “ám thị” mà thôi. Tên gọi khoa học của tự kỷ ám thị là Autosuggestion, hoàn toàn không liên quan đến hội chứng tự kỷ thông thường.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng rơi vào trạng thái tự kỷ ám thị này, dù theo xu hướng tích cực hay tiêu cực. Bạn là một nhà báo và bạn cần phải nhập vai một tên giang hồ máu mặt để trà trộn lấy thông tin. Thế nhưng, khi đối mặt với những tên giang hồ khác, bạn lại không thể giữ được sự tự nhiên, hào sảng như lúc luyện tập vì bạn quá lo lắng mình không diễn trọn vai và bị phát hiện. Đấy là lúc bạn đang tự kỷ ám thị chính mình rằng bạn đang đóng một vai diễn. Khi nào bạn vẫn còn nghĩ rằng mình đang là diễn viên, thì bạn sẽ không bao giờ thực sự hòa nhập vào bối cảnh bạn đề ra. Ngược lại, khi bạn tự tâm niệm đủ lâu rằng mình thực sự ngang tàng và là một tên giang hồ có máu mặt. Trước khi gặp những tên giang hồ khác, bạn tu 5 chai bia để quên đi nỗi lo lắng và quên đi mình đang đóng vai kẻ khác. Lúc ấy, bạn có cơ sở để tin rằng sự tự kỷ ám thị “tôi là thằng giang hồ” sẽ giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Vì sao tự kỷ ám thị có thể tạo thành động lực sống
“Mất niềm tin là mất tất cả” – đây chính là chìa khóa giải mã sức mạnh của tự kỷ ám thị. Con người sống có động lực là nhờ vào một niềm tin mạnh mẽ trong tiềm thức. Niềm tin thì được xây dựng lên từ những lời nói thủ thỉ bên tai mỗi người. Con người ta có xu hướng tin vào bất kỳ điều nào mà họ tự nhủ với chính mình mỗi ngày, dù cho ý niệm đó có đúng hay sai. Hãy nhớ rằng, lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành sự thật, sự thật lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ thành chân lý.
Có khi nào bạn cho rằng xu hướng thời trang của những chiếc jeans rách gối thực sự không hề đẹp chút nào. Cho đến khi bạn của bạn mặc và khen đẹp. Em gái của bạn cũng mặc và khen là trendy. Bạn gái của bạn cũng bắt đầu mặc những chiếc quần loang lổ. Rồi tràn ngập newfeed trên mạng xã hội cũng như ngoài đường phố đều là những chiếc quần jeans không lành lặn nhưng khiến tất cả những người mặc nó cảm thấy hoàn thiện và tự tin. Đến lúc ấy, bạn bỗng dưng mất dần những ác cảm ban đầu và cảm thấy thực ra những chiếc jeans này cũng không hề tồi tí nào.
Có khi nào bạn muốn săn một học bổng du học danh giá. Có thể bạn có đủ các điều kiện hoặc là không. Nhưng suy nghĩ đầu tiên trong đầu bạn luôn là “chắc là mình sẽ chẳng làm được đâu”. Bạn thậm chí chưa bao giờ thử kiểm chứng suy nghĩ đó, và bạn cứ nhắc đi nhắc lại với bản thân như một bản tuyên ngôn đoạn tuyệt. Và bạn cũng chẳng bao giờ thử. Và bạn cũng chẳng bao giờ đạt được ước mơ đó.
Hay có khi nào bạn nằm trên chiếc giường quen thuộc ở nhà và nghĩ về một ý tưởng kinh doanh. Sự thật là bạn không có đủ tiền. Bạn tự nói với bản thân rằng “Mình đủ thông minh để thực hiện ý tưởng này”. Bạn nộp đề án cho một quỹ tài trợ và bị từ chối. Bạn lại tự nói với bản thân rằng “Mình là người kiên trì, họ mới là người không kiên trì với tương lai”. Bạn tự xoay tiền, tự kiếm từng đồng, tự thực hiện ước mơ. Rồi bạn mở một nhãn hàng của riêng bạn, xây lên từ những lời nói dối tràn đầy sức mạnh.
Xem thêm: Hạn Tam Tai Là Gì – Cách Hoá Giải Hạn Tam Tai
Áp dụng tự kỷ ám thị thành động lực sống như thế nào, bằng cách nào?
Nếu bạn cho rằng mình là người tự tin, sáng tạo, thông minh thì bạn sẽ hành động như một người tự tin, sáng tạo và thông minh. Ngược lại, nếu bạn run rẩy, dè chừng, nghĩ rằng mình đãng trí thì bạn sẽ luôn có lý do cho những sự thất bại của mình. Trên thế giới, người ta sử dụng tự kỷ ám thị như một phương pháp khoa học tạo động lực cho cuộc sống. Dưới đây là một số cách áp dụng tự kỷ ám thị có thể giúp bạn thay đổi chính mình.
Diễn tập tinh thần: Tình huống là bạn sắp có 1 cuộc phỏng vấn quan trọng mà bạn rất kỳ vọng vào ngày mai. Hãy tưởng tượng rằng ngày mai mình sẽ trả lời phỏng vấn một cách đầy tự tin và lưu loát, bởi vì bạn biết mình đủ sức vào công ty đó. Việc tưởng tượng này không có nghĩa đảm bảo cho bạn vượt qua cuộc phỏng vấn đó. Khi tưởng tượng, bộ não của bạn không thể phân biệt rạch ròi giữa thực và ảo, chính vì thế một phần sự tưởng tượng sẽ tác động đến nhận thức và hành vi. Bạn càng “diễn tập tinh thần” nhiều, khi bước vào thực tế, bạn càng hành động như những gì mình tưởng tượng ra. Bạn sẽ rút ra những kinh nghiệm sau:
Những câu hỏi nào sẽ khiến bạn lúng túng?Những thông tin nào về công ty đó mà bạn chưa biết?Những tình huống oái ăm nhất có thể xảy ra là gì?Bạn nên thể hiện cảm xúc như thế nào ở mỗi câu hỏi?
Như vậy, việc tưởng tượng trước sẽ giúp bạn lường trước những khó khan và rèn luyện sự tự tin và bản lĩnh vượt qua tình huống đó.
Ngưng nghi ngờ về chính bản thân mình: Không có ai là tự tin 100% mình đủ xuất sắc để làm một việc. Con người cũng có xu hướng tự so sánh mình với những người tốt hơn, nhưng lại mang về cảm giác tự ti tiêu cực nhiều hơn là động lực học tập. Có phải chúng ta đang quá hoài nghi và khắt khe với chính mình. Đừng quên rằng bạn còn hơn 90% não bộ chưa bao giờ sử dụng đến. Không có ai là thông minh nhất. Cũng không có kẻ nào ngu ngốc nhất. Chỉ có những người luôn cố gắng để ngày một tốt hơn mà thôi. Bạn có biết người giàu luôn nghĩ rằng họ xứng đáng được giàu có, họ chắc chắn sẽ giàu có thay vì lo lắng liệu mình có kiếm được từng này lương hay không như những người khác. Ngừng hoài nghi về bản thân, ngừng đặt câu hỏi “Tôi là ai?, hãy tập làm quen với “Tôi làm được”.
Để thay đổi, hãy bắt đầu tự đánh giá trung thực. Tạo một danh sách niềm tin của bạn thân và cố xác định tại sao bạn tin những điều này:
Điểm mạnh và điểm yếu của bạn?Điều gì khiến bạn căng thẳng?Bạn đối phó với nghịch cảnh và xung đột như thế nào?
Hãy thường xuyên ghi nhận những dấu hiệu thừa nhận hay phủ nhận niềm tin của bạn, giống như:
Những thành công/ thất bại trong ngàyBạn đã phản ứng với những tình huống gây căng thẳng như thế nào?Bạn mô tả những việc xấu và tốt đã xảy ra như thế nào?Bạn mong muốn gì khi thực hiện một quyết định cụ thể
Hãy soạn bản “Tuyên Ngôn của Bản Thân”:Điều bạn cần làm là ngồi lại suy nghĩ, viết ra cho bản thân một “Bản Tuyên Ngôn Cho Bản Thân” để đọc lại hàng năm. Đây là những điều bạn thật sự muốn làm, để trở thành một người như bạn “muốn là” chứ không phải là một người như bạn “phải là”. Nó không phải là điều mà bạn chỉ viết nguệch ngoạc trên khăn giấy trong giờ nghỉ trưa mà là cả một thời gian dài cần bạn xem xét cẩn thận, bổ sung, và chỉnh sửa, để bạn có thể đọc lại hàng năm và có thể tồn tại được từ 10 đến 20 năm trong cuộc đời.
Pat Gelsinger – Phó chủ tịch trẻ nhất tập đoàn Intel đã áp dụng việc “tự kỷ ám thị” của Napoleon Hill bằng một bản tuyên ngôn dành cho cuộc đời của anh như dưới đây. Tuyên ngôn này được viết khi Pat Gelsinger bước vào tuổi 32, sau khi chuyển đến khởi nghiệp tại Intel.
Xem thêm: Hiện Tượng Xâm Nhập Mặn Là Gì ? Xâm Nhập Mặn
Xem bản tuyên ngôn tại đây
Lời kết:
Tư duy thay đổi vận mệnh! Bạn có thể đang là một sinh viên bình thường sáng đến lớp, tối chơi game. Bạn có thể đang ước mơ được sải cánh du học ở một đất nước phát triển. Bạn có thể đang ấp ủ một dự án khởi nghiệp giúp đỡ cộng đồng. Bạn có thể là bất cứ ai trong xã hội này, sống chui lủi trong chính dự định ước mơ của bạn. Đôi khi những dự định quá lớn lao khiến bạn sợ hãi. Nhưng đến mơ ước cũng không dám thì chúng ta còn đủ niềm tin để làm điều gì. Đừng ngại nếu như ai đó nói bạn ảo tưởng sức mạnh, bởi như vậy vẫn hơn là một kẻ thua cuộc chẳng bao giờ bước đi. Điều bạn cần đơn giản là niềm tin, vào chính mình và vào cuộc sống.
(Bài viết có tham khảo tư liệu từ bài báo:http://cafebiz.vn/song/bien-gia-thanh-that-su-thanh-cong-cua-nganh-khoa-hoc-tu-ky-am-thi-20151114172746691.chn)