TTCT – Tại VN, từ “cổ phần hóa” thông thường được hiểu là “tư nhân hóa” (privatization). Vì vậy khi nói đến “cổ phần hóa các trường đại học, cao đẳng” là người ta nghĩ đến quá trình tư thục hóa các trường đại học, cao đẳng công lập của VN.

Đang xem: Cổ phần hóa tiếng anh là gì

Phóng to

Nên hay không nên cổ phần hóa các trường đại học, cao đẳng? Tư thục hóa đại học: Vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận?

Cổ phần hóa không hẳn là tư nhân hóa

Ở nước ngoài, từ “cổ phần hóa” có ba loại. Cổ phần hóa là tư doanh hóa một doanh nghiệp nhà nước (privatization), hoặc tư hữu hóa một phần tài sản của một cơ sở công lập (equitization), hoặc công ty hóa một hay nhiều bộ phận hoạt động của một cơ sở nhà nước (corporatization). Dù thuộc loại nào, một doanh nghiệp được cổ phần hóa nằm ở giữa một công ty quốc doanh và một công ty tư nhân. Nằm đoạn nào ở giữa hai loại công ty ấy là tùy thuộc mức độ cổ phần hóa tại mỗi công ty.

Lịch sử đổi mới các cơ sở kinh doanh được hình thành đầu tiên ở Trung và Đông Âu sau năm 1989 trong quá trình xây dựng cơ chế kinh tế thị trường; tiếp đến là tại các nước đang phát triển trong đó có VN, do sự vận động của Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ quốc tế, sau cùng khởi xướng ban đầu là Trung Quốc và về sau là tại các doanh nghiệp quốc doanh lớn trong các nước phát triển, trong đó có New Zealand, Úc, Anh, Mỹ, Hà Lan.

Trong ba loại cổ phần hóa trên, loại 1 (privatization) trên thế giới thích hợp cho các doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ. Tại VN, loại cổ phần hóa này hoàn toàn không khả thi khi “tư thục hóa” một trường đại học, cao đẳng công lập. Lý do là kinh nghiệm không mấy khích lệ của một số trường tư thục tại các nước châu Á và trên thế giới chưa có mô hình chuyển đổi thành công từ một trường công lập thành một trường tư thục.

Loại 2 (equitization) rất phổ biến ở VN, từ trên mười năm nay đã có trên 3.000 doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ được cổ phần hóa, và còn khoảng 2.000 doanh nghiệp nhà nước vừa và lớn dự trù sẽ cổ phần hóa từ nay cho đến năm 2010. Các cơ sở giáo dục dù ở cấp học nào tại VN cũng không thích hợp với loại hình cổ phần hóa này, với lý do đơn giản là những công ty giáo dục này sẽ dễ dàng biến các hoạt động giáo dục thành các dịch vụ trao đổi mang nặng tính thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sứ mệnh và mục tiêu của trường.

Loại 3 (corporatization) phổ biến ở nhiều nước phát triển, đặc biệt là trong các công ty dịch vụ quốc gia như đường sắt, xa lộ, điện, nước và có cả một số trường đại học, bệnh viện công lập.

Triết lý cổ phần hóa các trường đại học, cao đẳng

Triết lý cơ bản để cổ phần hóa hay công ty hóa (corporatization) một số hoạt động trong một trường đại học hay cao đẳng là tận dụng nguồn tri thức, trình độ chuyên môn, các thiết bị nghiên cứu, các phòng thí nghiệm không sử dụng hết trong một cơ sở giáo dục đào tạo để cung cấp các dịch vụ nghiên cứu, học tập và tư vấn cho xã hội bên ngoài.

Làm như vậy sẽ có hai điều lợi: một là tăng thêm nguồn thu nhập cho trường để trường có thể đầu tư sâu hơn cho nghiên cứu và đào tạo, và hai là đáp ứng được nhu cầu cấp bách của xã hội. Với cơ sở triết lý ấy, một số trường đại học cả công lập lẫn tư thục tại Anh, Úc, New Zealand, Canada, Singapore… đã lập ra các công ty trực thuộc trường để đảm trách các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tư vấn thuộc thế mạnh của trường. Địa bàn hoạt động của các công ty này không chỉ giới hạn ở tại địa phương nơi trường đặt cơ sở mà còn vươn ra rất nhiều nước trên thế giới.

Một số trường đại học lớn ở một số nước phát triển có thể mở ra một doanh nghiệp trong trường gồm nhiều công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp của mỗi nước: công ty phụ trách tuyển sinh quốc tế, công ty chuyên lo đào tạo tiếng Anh tổ chức tại trường hay mở các chi nhánh ở nước ngoài, công ty mở các lớp đào tạo ngắn hạn về các ngành nghề thuộc thế mạnh của trường và có nhu cầu cao ngoài xã hội, công ty chuyên trách lập các dự án dự thầu quốc tế, công ty chuyên trách công nghệ thông tin…

Như vậy tại những trường đại học này, dù công lập hay tư thục, có hai bộ phận: bộ phận chính là trường đại học theo đuổi các sứ mệnh và mục tiêu lâu dài của trường, và bộ phận kia hoạt động theo mô hình của một doanh nghiệp.

Xem thêm: Kiểm Thử Hộp Đen Là Gì – ( What Black Box Testing)

Mỗi bộ phận có một hình thức quản lý riêng. Bộ phận trường đại học lãnh đạo bởi một hiệu trưởng hay giám đốc do hội đồng quản trị của trường tuyển, bổ nhiệm, và điều hành bởi ban lãnh đạo trường gồm có hiệu trưởng hay giám đốc, các phó hiệu trưởng hoặc phó giám đốc, các khoa trưởng, giám đốc trung tâm… như kinh nghiệm của các trường đại học từ trước đến nay.

Trong khi đó bộ phận doanh nghiệp sẽ được lãnh đạo bởi một hội đồng quản trị do một phó hiệu trưởng hay phó giám đốc của nhà trường làm chủ tịch, và các thành viên gồm tổng giám đốc của doanh nghiệp (corporation, group), các giám đốc của mỗi công ty con (company) và một số người đứng đầu của các trường, khoa, trung tâm trong trường có liên quan. Cán bộ và nhân viên trong doanh nghiệp, công ty không thuộc biên chế của trường mà thuộc biên chế của doanh nghiệp, hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Tại VN, từ trước đến nay trên lý thuyết chưa có các doanh nghiệp hoặc công ty được thành lập trong các trường công lập, nhưng trên thực tế đã có nhiều hoạt động trong trường tương tự như các trường đã được cổ phần hóa ở các nước phát triển phương Tây. Đó là một số công ty trực thuộc nhà trường, các viện, trung tâm do Bộ GD-ĐT thành lập (nhưng nằm trong trường), các trung tâm tiếng Anh dạy buổi tối, lớp học tại chức, các dự án tư vấn kỹ thuật cho cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp bên ngoài nhà trường…

Sắp xếp và tổ chức lại các hoạt động ấy cho hợp lý hơn, khoa học hơn và mọi hoạt động phải theo đúng luật doanh nghiệp, theo chúng tôi nghĩ, đó chính là những hoạt động nằm trong khuôn khổ cổ phần hóa các trường đại học, cao đẳng VN. Với triết lý và các nội dung hoạt động như thế, cổ phần hóa/công ty hóa một số bộ phận trong trường không chỉ diễn ra trong các trường công lập mà cả ở những trường ngoài công lập.

Xem thêm: Hệ Thống Tin Học Là Gì – Khái Niệm Về Hệ Thống Tin Học

Những hạn chế

Cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh dù dưới loại nào không phải là một giải pháp được mọi người mọi nơi hoàn toàn đồng ý. Có quốc gia cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh (nhưng không phải cổ phần hóa tất cả các cơ sở quốc doanh) đã mang lại sự phát triển kinh tế – xã hội ổn định. Ngược lại tại một số nước khác, cổ phần hóa trong một số ngành đã làm cho chất lượng phục vụ kém đi.

Trong lĩnh vực giáo dục, nếu cổ phần hóa quá chú trọng đến lợi nhuận và không quản lý tốt, các trường đại học, cao đẳng có nguy cơ sẽ trở thành những trung tâm chạy theo thị trường, hay những cơ sở đào tạo bị chi phối bởi các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, không còn theo đuổi các sứ mệnh và mục tiêu truyền thống của trường đại học.

Cổ phần hóa một số trường đại học, cao đẳng công lập tại VN sẽ là một cuộc cải tổ khả thi nếu các trường đại học, cao đẳng này cổ phần hóa hay công ty hóa một số bộ phận hoặc hoạt động trong trường (corporatization) và có chính sách quản lý rủi ro rất nghiêm ngặt như một số nước trên thế giới đã và đang làm.

Theo đó, các trường đại học, cao đẳng sẽ lập ra tập đoàn hay doanh nghiệp trong mỗi trường và các tập đoàn hay doanh nghiệp này sẽ hoạt động theo luật doanh nghiệp, có sự lãnh đạo, quản lý khoa học. Các tập đoàn này sẽ được giám sát và kiểm định không những từ phía hội đồng quản trị của tập đoàn, mà còn cả hội đồng trường đại học và xã hội bên ngoài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *